Vợ chồng không ăn cơm chung
Có một thực tế, nguồn thu nhập của CN hiện nay một phần là nhờ tăng ca. Nhiều CN tâm sự rằng họ đi làm từ sáng sớm khi mặt trời chưa mọc, tối về nhà khi đèn đường đã sáng trưng, có bạn còn nói vui rằng cả tuần không biết ánh nắng mặt trời là gì. Tăng ca nhiều khiến sức khỏe suy kiệt, không có thời gian vui chơi, giải trí trong khi việc chăm sóc con cái cũng không được trọn vẹn.
Chị Lê Thị Tâm - CN một công ty may bao bì trên địa bàn TP Thủ Dầu Một - cho biết mỗi ngày chị làm việc 12 giờ, chỉ trừ những hôm đơn hàng ít mới làm 8 giờ. Vì chạy theo sản lượng nên cứ đến công ty là chị cắm cúi làm, ngay cả đi vệ sinh cũng phải "nín", thậm chí ăn cơm trưa cũng vội vàng để vào làm tiếp. Chị bảo đã trở thành thói quen nên không cảm thấy khổ hay vất vả gì cả. Thế nhưng, dù "cày" cật lực như vậy, mỗi tháng thu nhập của chị Tâm cũng chỉ khoảng 7- 8 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Nhiên đang làm việc tại một công ty giày da trong KCN Sóng Thần II (TP Dĩ An) cũng không khác mấy. Vợ chồng chị rất chăm chỉ, chỉ trừ ngày chủ nhật, còn các ngày khác hai vợ chồng gần như không được ăn cơm chung. Hôm nào vợ tăng ca thì chồng về sớm đón con và ngược lại. Anh chị có 2 con nhưng phải gửi con lớn về quê nhờ cha mẹ chăm sóc vì không có thời gian để lo cho cả hai. Mặc dù rời quê vào Bình Dương lập nghiệp hơn 15 năm nhưng đến bây giờ vợ chồng chị Nhiên vẫn phải ở trọ. "Lúc tôi mới vào lập nghiệp còn trăm bề khó khăn, xoay đủ ăn, đủ trả tiền phòng trọ mỗi ngày cũng đã đuối lắm rồi. Những năm trở lại đây, lương khá hơn chút thì ba mẹ ở quê cũng đã già, không làm được việc đồng áng nên mình phải gửi tiền về phụ" - chị Nhiên chia sẻ và cho rằng vòng luẩn quẩn đó khiến cuộc sống của gia đình chị không thể khá lên được. Nếu hằng tháng chỉ nhận mỗi lương cơ bản thì không thể xoay xở nổi mọi chi phí cho gia đình, chứ ai chẳng muốn hết giờ hành chính rồi về quây quần với chồng con, đưa các con đi chơi.
Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều CN hiện nay, nếu chúng ta có dịp cùng ăn, cùng ở với CN thì sẽ thấy được cuộc sống của họ khó khăn như thế nào, bữa cơm đạm bạc chỉ với mấy miếng đậu hũ, dĩa rau luộc và lấy nước luộc rau làm canh qua bữa, thậm chí đối với một số người không vướng bận chồng con thì chỉ mong được tăng ca để đỡ bữa cơm tối.
Tăng ca nhiều khiến nhiều nữ công nhân không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí
Tăng ca là nhu cầu thực tế
Tại hội nghị người lao động (NLĐ) của Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (TP Thuận An) diễn ra vào đầu tháng 2-2021, số đông CN bày tỏ mong muốn lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho họ làm thêm giờ để tăng thu nhập vì chi phí sinh hoạt những tháng gần đây tăng vọt.
Ông Trần Hoàng Phát, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cho biết một tháng CN ở đây chỉ được tăng ca khoảng 16 giờ, trong khi NLĐ rất mong muốn được tăng ca nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, rất khó cho ban giám đốc vì luật đưa ra chỉ cho phép tăng ca không quá 200 giờ/năm.
Ông Phát cũng nêu ra bất cập khi CN không được tăng ca, đó là lý do khó tuyển dụng lao động vì thường khi CN nộp hồ sơ vào công ty sẽ tìm hiểu xem ở đó có tăng ca nhiều không. Mặc dù CĐ cũng đã nhiều lần thảo luận với ban giám đốc để tìm hướng giải quyết hợp lý nhưng lãnh đạo doanh nghiệp kiên quyết tuân thủ đúng quy định pháp luật. "Công ty đưa ra giải pháp trước mắt là nâng cao năng suất lao động bằng việc cải tiến kỹ thuật, lúc đó thu nhập của NLĐ sẽ tốt hơn" - ông Phát nói.
Còn tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An), một trong những nguyên nhân để NLĐ đi tìm "bến đỗ" mới là ít được tăng ca. Theo bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Trưởng Phòng Kế hoạch công ty, có những thời điểm doanh nghiệp ít đơn hàng hoặc đơn hàng không gấp nhưng phải bố trí hợp lý để CN được tăng ca. Nhiều CN còn tâm sự rằng tháng nào không được tăng ca thì thu nhập chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, nếu phát sinh được mời dự đám cưới, thôi nôi là coi như âm tiền. Rõ ràng, tăng ca là nhu cầu chính đáng của NLĐ, là khoản thu nhập tăng thêm, là tiền đề cho NLĐ tích góp, thế nhưng hiện tiền tăng ca lại dùng để bù đắp cho những chi tiêu thiết yếu của cuộc sống mà tiền lương còn thiếu. Nếu lúc còn trẻ thì họ sẵn sàng "cày", còn khi có gia đình thì hiển nhiên ai cũng muốn dành thời gian cho chồng con, với lại lúc này sức khỏe không cho phép để họ làm việc với cường độ cao như thế. Chưa kể, cuộc sống quay cuồng dưới ánh đèn nhà xưởng khiến nhiều nữ CN mất đi cơ hội tìm hạnh phúc riêng cho mình.
Bình luận (0)