Giữa năm 2013, do sản xuất - kinh doanh khó khăn, công ty buộc phải cắt giảm 50 lao động, trong đó nhiều CN có tay nghề cao, gắn bó với công ty hơn 10 năm. Hiểu được khó khăn của CN khi đột ngột mất việc, ngoài giải quyết chế độ chính sách theo luật định, ban giám đốc công ty còn hỗ trợ thêm mỗi người 3 tháng lương trong thời gian tìm việc làm mới. Chia tay tạm thời với số CN này song hằng tháng, ban giám đốc vẫn đều đặn thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm của họ ở chỗ làm mới. Sự quan tâm của lãnh đạo DN làm CN xúc động.
Đầu quý III/2014, khi sản xuất - kinh doanh khởi sắc, công ty quyết định mời số lao động đã nghỉ việc trở lại. Đích thân giám đốc công ty gọi điện cho từng người với thái độ trân trọng, điều đó khiến CN càng cảm kích. Quay về đơn vị cũ, họ càng vui hơn khi các quyền lợi trước đây được khôi phục. Tại hội nghị người lao động vừa được tổ chức đầu tháng 11, niềm vui ấy nhân đôi khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết có thêm nhiều điều khoản đãi ngộ cao hơn luật định, như trợ cấp nhà trọ, năng suất, chuyên cần... “Hoàn thiện chế độ đãi ngộ CN, ban giám đốc mong muốn đời sống anh em ổn định và tận lực cống hiến cho DN” - ông Bình bộc bạch.
Điểm lại 73 vụ ngừng việc tại TP HCM từ đầu năm đến nay, nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp là do nhiều DN tìm mọi cách o ép, cắt xén quyền lợi khiến CN bức xúc. Cá biệt, nhiều DN để xảy ra tranh chấp 2 lần với cùng một nguyên nhân, đó là giở đủ chiêu trò để bắt chẹt, chèn ép CN.
“Nếu gặp khó, DN có thể thương lượng hoặc thỏa thuận lại với Công đoàn chứ không nên tùy tiện cắt giảm quyền lợi CN. Chăm bẳm lợi nhuận mà quên rằng chăm lo, đãi ngộ mới là cái gốc để phát triển bền vững, DN khó có thể ổn định lâu dài” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, khẳng định.
Bình luận (0)