Tôi rất phấn khởi vì tổ chức CĐ TP vẫn phát huy được truyền thống năng động, sáng tạo, xứng đáng là đầu tàu cả nước trong tất cả các mặt hoạt động, nhất là trong công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).
Hướng đến mục tiêu vì lợi ích đoàn viên và NLĐ, trong nhiệm kỳ qua, các cấp CĐ TP đã liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nổi bật là những chương trình chăm lo thiết thực có sức lan tỏa rộng lớn và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, như chương trình "Cùng công nhân vượt khó", "Tấm vé nghĩa tình", "Trái tim nghĩa tình", thể hiện rõ nét tinh thần ái hữu giai cấp. Các phong trào thi đua như: "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" do CĐ TP khởi xướng không chỉ khơi dậy niềm đam mê sáng tạo ở mỗi CNVC-LĐ mà còn mang lại hiệu quả thiết thực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN). Nỗ lực vượt bậc ấy cùng hiệu quả của các hoạt động đã góp phần khẳng định chỗ đứng của tổ chức CĐ TP.
Trong bối cảnh hội nhập, cán bộ là khâu "then chốt", đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức CĐ. Làm thế nào để có đội ngũ cán bộ CĐ tâm huyết, đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, thực sự là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ là vấn đề mà tôi luôn trăn trở.
Theo tôi, phải chọn cán bộ "tự nguyện dấn thân" với tổ chức CĐ từ trong cán bộ CĐ, đoàn viên gắn với phong trào công nhân và hoạt động CĐ từ cơ sở. Qua quá trình làm việc, phải đánh giá, theo dõi, lựa chọn cán bộ có tâm và có tầm, chịu lăn lộn với phong trào, là người thực sự có uy tín trong tập thể lao động…
Những cá nhân xuất sắc này cần được quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, có kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, lý luận CĐ cũng như kiến thức pháp luật, ngoại ngữ; bố trí sử dụng phù hợp với năng lực, sở trường để họ yên tâm gắn bó với tổ chức. Làm được điều này, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán quy hoạch cán bộ, không để bị động, chắp vá.
Để phát triển đoàn viên và thành lập 100% CĐ cơ sở tại các DN có từ 25 lao động trở lên, theo tôi, chúng ta phải làm tốt công tác truyên truyền để NLĐ thấy sự cần thiết khi gia nhập CĐ, xem CĐ là chỗ dựa khi gặp khó khăn và bảo vệ mình khi cần thiết.
Để thực hiện yêu cầu đó, tập thể NLĐ cần có một thủ lĩnh trong tổ chức của mình là cán bộ CĐ. Cán bộ đó là người có uy tín với NLĐ và có bản lĩnh trong quan hệ với người sử dụng lao động để giải quyết được các mâu thuẫn phát sinh một cách hài hòa vì sự ổn định, tiến bộ và phát triển của DN. Đó là yêu cầu cơ bản, đồng thời cũng làm cho người sử dụng lao động hiểu một cách đầy đủ về tính chất tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động CĐ, đồng hành cùng đơn vị, DN… vì sự phát triển bền vững của đơn vị, DN thì hoạt động CĐ cơ sở mới thực sự vững mạnh.
Việc vận động DN có từ 1.000 đoàn viên trở lên có cán bộ CĐ chuyên trách cũng là yêu cầu cần có của tổ chức CĐ nhưng trong nhiều nhiệm kỳ chưa thực hiện được. Những vấn đề thực tế vướng mắc cần có phương án thích hợp như: cán bộ do người sử dụng lao động chọn và bố trí làm chuyên trách CĐ nhưng tập thể NLĐ không đồng tình thì không thể có uy tín để làm chuyên trách CĐ cơ sở; cán bộ được sự tín nhiệm của NLĐ tại cơ sở là phương án khả thi nhất nhưng có khi họ không chịu làm chuyên trách hoặc người sử dụng lao động không đồng tình thì cũng không thuận lợi trong hoạt động. Nếu một trong 2 trường hợp trên không được thì chọn cán bộ chuyên trách CĐ cơ sở có từ 1.000 đoàn viên trở lên do tổ chức CĐ cấp trên bố trí và trả lương là phù hợp.
Bình luận (0)