Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Luật CĐ là đạo luật rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hành động của CĐ; có ý nghĩa trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ Việt Nam. Đặc biệt, việc Việt Nam ký kết, phê chuẩn và tham gia các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt về quan hệ lao động và nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - CĐ . "Từ những căn cứ trên cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật CĐ 2012 cho phù hợp với sự phát triển của đất nước và của tổ chức CĐ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế" - ông Hiểu nhấn mạnh.
Đại diện LĐLĐ TP HCM phát biểu tại hội thảo
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ tập trung phạm vi điều chỉnh với 6 nhóm quy định chủ yếu: Vai trò, quyền và trách nhiệm của tổ chức CĐ; nguyên tắc tổ chức và chỉ đạo hoạt động CĐ; quyền gia nhập CĐ của người lao động (NLĐ) là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quyền gia nhập vào hệ thống CĐ Việt Nam của tổ chức đại diện NLĐ; các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng chống CĐ; tài chính CĐ.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu góp ý nên sửa đổi, bổ sung tên gọi của Luật CĐ thành "Luật CĐ Việt Nam"; sửa đổi Luật CĐ cần chú trọng đến chức năng chính của CĐ, theo hướng quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa vào luật cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ.
Bình luận (0)