Tại các KCX-KCN TP, tôi biết có nhiều DN đặc biệt quan tâm, chăm lo bữa ăn cho công nhân (CN) nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Mỗi suất ăn giữa ca ở các DN có giá 25.000 đồng, thậm chí có nơi lên đến 35.000-40.000 đồng/suất kèm món tráng miệng, nước uống. Thế nhưng, cũng có DN suất ăn chỉ ở giá 14.000-15.000 đồng, thậm chí thấp hơn. Với tình hình vật giá tăng cao như hiện nay thì sức khỏe CN sẽ được cải thiện như thế nào với suất ăn chỉ có giá 14.000 đồng?
Chất lượng bữa ăn giữa ca bảo đảm sẽ cải thiện sức khỏe người lao động Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bữa ăn gắn liền với dinh dưỡng và năng suất lao động của NLĐ. Thế nhưng, đáng tiếc là dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) không hề có một dòng quy định nào về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ. Điều này đồng nghĩa rằng bữa ăn giữa ca hằng ngày của NLĐ phụ thuộc vào lòng hảo tâm của DN. Chúng ta thường nói năng suất lao động của CN Việt Nam thấp, điều đó không sai nhưng vấn đề này cần phải được làm rõ, bắt đầu từ bữa ăn giữa ca. Thử hỏi, nếu hằng ngày CN phải ăn uống kham khổ, thiếu chất dinh dưỡng, chủ yếu là ăn cho no thì sức khỏe, thể trạng của họ có được cải thiện? Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết nhiều DN khoán trắng chất lượng bữa ăn cho nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp. Vì lợi nhuận, các nhà thầu có thể mua thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến nhằm hạ giá thành và điều này đã đẩy rủi ro về phía NLĐ. Vậy NLĐ làm sao có thể nuốt nổi những hạt cơm khô, vài lát thịt kho và canh "toàn quốc"? Ai cũng biết CN phải được ăn no, ăn ngon thì mới có sức làm việc, vậy vì cớ gì đến nay, bữa ăn giữa ca không được quy định cụ thể trong luật?
Bình luận (0)