Tại hội thảo "Vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở" do LĐLĐ TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhiều đại biểu kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn, giúp họ an tâm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).
Phải là chỗ dựa của đoàn viên - lao động
Hơn 10 năm trước, Công ty TNHH Vina Kad (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) từng là điểm nóng về tranh chấp lao động. Nguyên nhân chính là sự khác biệt về văn hóa làm việc giữa đại diện giới chủ người Hàn Quốc và công nhân (CN) Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN), ông Hồ Sĩ Tân, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết để NLĐ và người sử dụng lao động hiểu nhau hơn, Công đoàn phải làm tốt vai trò cầu nối. Ngay sau khi Công đoàn cơ sở được thành lập, Ban Chấp hành Công đoàn chủ động làm việc, thuyết phục giới chủ hiểu được tập quán suy nghĩ và thói quen của lao động Việt Nam. Song song đó, Ban Chấp hành Công đoàn cũng tìm cách tiếp cận, tuyên truyền CN nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật để từ đó hành xử đúng trong quan hệ lao động.
Nỗ lực này của Công đoàn cơ sở đã giúp chủ DN hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, từ đó điều chỉnh cung cách quản lý, điều hành cho phù hợp. Hầu hết kiến nghị của Công đoàn đều được ban giám đốc quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Điển hình như đồng ý lắp đặt hệ thống làm mát trị giá hơn 3 tỉ đồng cho xưởng may và cải thiện chất lượng bữa ăn tăng ca của CN. Công ty cũng chấp thuận chia sẻ kinh phí 50-50 cho các hoạt động chăm lo CN. "Việc tìm được sự đồng thuận trong công tác chăm lo giữa Công đoàn và chủ DN đã giúp sức khỏe, tinh thần CN được cải thiện, năng suất làm việc luôn được bảo đảm" - ông Hồ Sĩ Tân khẳng định.
Cũng từ đề xuất của Công đoàn cơ sở, công ty đồng ý tổ chức các buổi giao lưu giữa CN và các đơn vị bộ đội nhằm tạo điều kiện cho nữ CN lập gia đình. Xuất phát điểm là "điểm nóng" về lãn công, đến nay, Công ty TNHH Vina Kad là điển hình trong công tác chăm lo đời sống CN tại TP Đà Nẵng.
Có kinh nghiệm gần 10 năm làm cán bộ Công đoàn, ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) - cho biết không ít NLĐ còn mơ hồ về pháp luật lao động nên chịu nhiều thiệt thòi tại nơi làm việc. Do vậy, cán bộ Công đoàn cần chủ động tuyên truyền để NLĐ hiểu về pháp luật và phải thuyết phục giới chủ bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ. "Theo luật định, nếu NLĐ không thể thực hiện "3 tại chỗ", công ty chỉ cần trả lương tối thiểu, trong 14 ngày. Tuy nhiên, Công đoàn cơ sở đã đề xuất ban giám đốc chi trả toàn bộ lương cho NLĐ trong thời gian phòng dịch để bảo đảm đời sống cho họ. Chỉ một đề xuất nhỏ nhưng NLĐ sẽ cảm thấy tin tưởng vào tổ chức Công đoàn" - ông Nguyễn Thanh Tân nêu ví dụ.
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng (ngoài cùng bên trái) trao quà cho công nhân khó khăn
Hỗ trợ, bảo vệ cán bộ Công đoàn
Trao đổi tại hội thảo, nhiều chủ tịch Công đoàn chỉ ra thực tế cán bộ Công đoàn hiện nay đang phải cáng đáng một lúc rất nhiều việc. Do vậy, để có thể thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ, cán bộ Công đoàn gặp không ít trở ngại.
Theo ông Nguyễn Văn Xê, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Phong Bắc (quận Cẩm Lệ), Chủ tịch Công đoàn cũng là NLĐ, nhận lương từ lãnh đạo DN. Do đó, nếu hoạt động không khéo sẽ mất việc, bởi nhiều khi được lòng CN thì mất lòng DN. "Nếu lãnh đạo DN không tạo điều kiện về thời gian để tổ chức hội họp, tập huấn và hỗ trợ thêm về kinh phí thì Chủ tịch Công đoàn cơ sở dù tâm huyết cũng khó hoàn thành tốt chức trách của mình" - ông Xê nêu ví dụ. Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thủy Sản Bắc Trung Nam (quận Sơn Trà), cho biết đa số cán bộ Công đoàn hoạt động bị động, phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng nhiều chủ DN không tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động nên nhiều người không muốn làm Công đoàn, xin từ chức hoặc nghỉ việc. Ông Nam đề nghị LĐLĐ TP Đà Nẵng tăng cường các biện pháp bảo vệ và có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Viesky (LĐLĐ quận Sơn Trà) chỉ ra thực trạng hầu hết cán bộ Công đoàn cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, do vậy khó sắp xếp thời gian tham gia các lớp tập huấn do Công đoàn cấp trên tổ chức. Để hỗ trợ cán bộ Công đoàn cơ sở hoàn thành nhiệm vụ, đại diện Công đoàn công ty kiến nghị Công đoàn cấp trên cần phải xác định loại hình DN để làm rõ nội dung, chuyên đề cần ưu tiên tập huấn, đặc biệt biên tập lại bài giảng có nội dung phù hợp, trọng tâm đúng đối tượng. "Cán bộ Công đoàn cơ sở đa số xuất thân từ CN trực tiếp sản xuất, do vậy tài liệu tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu. Bài giảng nên đưa ra tình huống cụ thể để học viên vận dụng vào thực tế tại đơn vị" - đại diện Công ty TNHH Viesky đề xuất.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng, cho biết thời gian toàn TP chống dịch, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở rất năng động, sáng tạo. Dù không có nhiều kiến thức về phòng chống dịch nhưng họ vẫn đảm đương mọi công tác y tế như khoanh vùng, điều tra dịch tễ, vận động DN có chính sách hỗ trợ NLĐ. Dù vậy, chế độ chính sách hiện hành dành cho đội ngũ này chưa đúng mức.
Hoàn thiện chính sách đãi ngộ
Qua khảo sát, toàn TP Đà Nẵng có gần 30.000 NLĐ chưa gia nhập Công đoàn, dù tại nơi làm việc đã thành lập Công đoàn cơ sở. Để vận động NLĐ gia nhập Công đoàn, vai trò của Chủ tịch Công đoàn cơ sở hết sức quan trọng. "Chịu nhiều áp lực trong khi chính sách đãi ngộ chưa tương xứng khiến họ khó làm tròn chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần hoàn thiện chính sách đãi ngộ để động viên đội ngũ này" - ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, kiến nghị.
Bình luận (0)