xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần đơn giản thủ tục đình công

THANH NGA

Luật quy định quá rườm rà trong khi năng lực của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở còn hạn chế là những nguyên nhân chính khiến khó tổ chức đình công đúng luật

“Là cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách tham gia giải quyết tranh chấp lao động nhiều năm, tôi chưa thấy có vụ ngừng việc nào do tổ chức CĐ lãnh đạo. Dù trong nhiều vụ việc, cán bộ CĐ là người “bật đèn xanh” cho công nhân (CN) ngừng việc nhưng để tổ chức một cuộc đình công lại quá nhiêu khê, nếu sai quy định sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp (DN) mà CĐ cơ sở lấy gì để bồi thường?” - ông Phạm Duy Bắc, cán bộ chuyên trách CĐ các KCX-KCN TP HCM bày tỏ băn khoăn trong buổi làm việc về tình hình quan hệ lao động và tổ chức đình công tại TP HCM giữa LĐLĐ TP, CĐ các KCX-KXN TP với Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây.

Hầu hết đình công sai trình tự

Phân tích nguyên nhân hầu hết các cuộc ngừng việc đều không đúng trình tự của pháp luật và không có vai trò lãnh đạo của tổ chức CĐ, ông Bắc cho biết quy trình tổ chức đình công hiện nay quá phức tạp, rất khó để thực hiện đúng. Ông dẫn chứng, theo Bộ Luật Lao động, đình công chỉ được tiến hành sau khi trải qua bước hòa giải, tức là chỉ được đình công sau thời hạn 3 ngày nếu hòa giải không thành hoặc sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện đúng thỏa thuận. Bên cạnh đó, đình công phải diễn ra đúng trình tự: lấy ý kiến tập thể lao động; ra quyết định đình công; tiến hành đình công. Nếu trên 50% CN được lấy ý kiến đồng ý, CĐ mới ra quyết định đình công và thông báo cho chủ DN ít nhất 5 ngày trước khi đình công. “Việc phải trải qua nhiều cấp bậc và thủ tục kéo dài là cái khó đối với tổ chức CĐ khi tổ chức và lãnh đạo đình công” - ông Bắc phân tích.

Công nhân Công ty TNHH Green Apparel, quận 12, đình công đòi quyền lợi BHXH Ảnh: CAO HƯỜNG
Công nhân Công ty TNHH Green Apparel, quận 12, đình công đòi quyền lợi BHXH Ảnh: CAO HƯỜNG

Mặt khác, tại DN có CĐ, đình công phải do CĐ cơ sở tổ chức, tuy nhiên hiện nay nhiều cán bộ CĐ cơ sở năng lực còn hạn chế nên khó có thể lãnh đạo được. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, nêu thực tế: “Hầu hết cán bộ CĐ là người làm công ăn lương. Giả sử họ tổ chức đình công dù thành công hay không thì sau đó, rất có thể bị DN trù dập. Đó là chưa kể đến trường hợp đình công đúng trình tự nhưng trái pháp luật thì sẽ phải bồi thường. Việc bồi thường phải quy trách nhiệm ra sao?”.

Tại TP HCM, đã có trường hợp một DN ở KCN Tân Bình khởi kiện tập thể CN ra tòa vì đình công không đúng luật. Khi ra tòa, DN ghi tên bị đơn là tập thể CN. Tòa xác định đây là tranh chấp với từng cá nhân chứ không phải đình công vì không do CĐ tổ chức.

Bức xúc là... ngừng việc

Đình công là bước sau cùng để giải quyết tranh chấp lao động tập thể, thế nhưng, CN lại xem đình công là công cụ đầu tiên để giải quyết bức xúc và buộc chủ DN phải ngồi lại thương lượng.

Điển hình như vụ ngừng việc tập thể của CN tại Công ty N.S (KCX Linh Trung I) vào đầu năm 2014. Lý do CN ngừng việc là do DN trả thưởng Tết thấp hơn so với một nhà máy khác trong cùng tập đoàn. Trước yêu cầu của CN và để bảo đảm tiến độ công việc, DN đồng ý nâng mức thưởng Tết. Theo nhiều cán bộ CĐ, trong trường hợp này, không thể quy hết trách nhiệm cho DN, bởi luật không quy định rõ ràng về mức thưởng Tết cho người lao động.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xảy ra 141 vụ ngừng việc tập thể, tập trung chủ yếu ở các DN vốn nước ngoài, lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp, nhất là dệt may - da giày. Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc là do chủ DN chậm trả lương, thưởng Tết, trốn đóng BHXH, ép CN tăng ca quá mức... Bà Trân thẳng thắn nhìn nhận, số đông CN hiểu chưa đúng về “vũ khí” đình công; nguyên nhân do phần lớn xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ, thiếu kiến thức về pháp luật. Bên cạnh đó, do phải làm việc với cường độ cao, ít thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động nhưng thu nhập lại thấp, cuộc sống khó khăn nên rất dễ bị kích động dẫn đến tranh chấp tức thời mỗi khi quyền lợi bị xâm phạm, thay vì chờ đợi CĐ làm đúng các thủ tục để tổ chức đình công. “Thời gian tới, LĐLĐ TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho CN để họ sử đúng sức mạnh của mình, hạn chế ngừng việc tự phát” - bà Trân nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Rèn kỹ năng thương thảo cho cán bộ CĐ

Đình công là vũ khí của người lao động để bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm, tuy nhiên việc đình công phải được đưa vào nền nếp và đúng quy định của pháp luật. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị để đơn giản hóa thủ tục tổ chức đình công, gỡ khó cho cơ sở. Song song đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung bồi dưỡng kỹ năng thương thảo cho đội ngũ cán bộ CĐ nhằm giúp họ làm tốt vai trò đại điện và đủ khả năng để lãnh đạo CN đình công.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo