BHXH Việt Nam cho biết tính đến đầu tháng 11, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do người lao động (NLĐ) gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, cần có một khoản tiền trang trải cuộc sống. Một số ít người vì lợi ích trước mắt muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản "tiền tươi". "Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng tới nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân…" - BHXH Việt Nam nhận định.
Rủi ro khi về già
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần, mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. "Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014" - BHXH Việt Nam giải thích.
Nhận BHXH một lần sẽ khiến người lao động gánh rủi ro khi về già Ảnh: HOÀNG TRIỀU
BHXH Việt Nam cho hay nếu quyền lợi được đặt lên "bàn cân" thì chính sách BHXH đem lại cho NLĐ những lợi ích mà không khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của NLĐ, trong đó NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được lựa chọn mức đóng phù hợp điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỉ lệ đóng hằng tháng 22%, số tiền đóng mỗi tháng tương đương 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%) nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Việc NLĐ rời hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, tử tuất, dẫn đến rủi ro đối với chính bản thân và người thân.
Theo BHXH Việt Nam, thực tế có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định trường hợp này. Vì vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần. Các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH cảnh báo nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay.
Sửa thời gian nhận lương hưu
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), nhấn mạnh BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như "của để dành", được nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. "Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận. Kể cả khi có việc làm, đóng BHXH trở lại, họ phải bắt đầu tích lũy BHXH từ số 0, như vậy nhiều khả năng không thể tích lũy đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu. Thông thường, thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 25 năm tích lũy thời gian đóng BHXH, trường hợp làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian tích lũy tối thiểu có thể chỉ 15-20 năm. Nhất là NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động" - ông Lợi phân tích.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc quy định hạn chế hưởng BHXH một lần đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự không đồng thuận của một bộ phận NLĐ. Vì vậy, quan điểm của Chính phủ, Quốc hội là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sắp tới Chính phủ sẽ bàn về nội dung của Luật BHXH sửa đổi. Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi luật lần này là xem xét việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. "Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH" - ông Đào Ngọc Dung cho biết. Theo các chuyên gia, nếu đề xuất này được thông qua, thời gian đóng BHXH sẽ được rút ngắn, NLĐ chỉ cần đáp ứng thêm điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Đề xuất nêu trên còn là tín hiệu để những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu số năm đóng BHXH thay vì phải rút BHXH một lần hay phải đóng tiếp BHXH tự nguyện thì sắp tới, những người này đã đủ điều kiện được nhận lương hưu.
1 người tham gia, 2 người rời hệ thống
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.600 người so với năm 2019. Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9%). Như vậy, cứ một người tham gia BHXH thì có 2 người rời hệ thống. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần theo hướng chặt chẽ hơn; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần...
Bình luận (0)