Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, cho rằng hiện nay, chính sách tiền lương chỉ được áp dụng tại khu vực kinh tế chính thức (doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nộp thuế, đóng BHXH) mà chưa xác định rõ tại phần lớn hoạt động kinh tế khu vực phi chính thức.
Luật có nhưng chưa thực hiện
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB-XH làm rõ sự cần thiết, mục tiêu của tiền lương tối thiểu (LTT); các căn cứ xác định, điều chỉnh mức LTT và đi liền với đó là căn cứ, quy chuẩn để xác định mức sống tối thiểu; nghiên cứu việc xác định mức LTT theo giờ, theo lĩnh vực (hiện mới tính mức LTT theo tháng, theo vùng).
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, một thành viên của nhóm nghiên cứu "Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Văn phòng JICA tại Việt Nam thực hiện, hiện có khoảng 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, không thuộc phạm vi áp dụng của LTT vùng.
Lao động tự do tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) chịu nhiều thiệt thòi vì không thuộc đối tượng áp dụng lương tối thiểu
Theo điều 91, Bộ Luật Lao động, mức LTT được xác định theo tháng, ngày, giờ và xác lập theo vùng, ngành. Tuy nhiên trên thực tế, LTT chỉ được xác định theo tháng. Nhóm nghiên cứu của VEPR lưu ý rằng việc không quy định cụ thể mức LTT theo ngày và giờ khiến việc giám sát vấn đề tuân thủ mức LTT trở nên khó khăn, đặc biệt đối với người lao động bán thời gian. Điều này cũng gây khó khăn cho cả người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình đàm phán các công việc đơn giản, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.
Sẽ tính toán để tính LTT giờ
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết các nước trên thế giới chủ yếu tính LTT theo giờ, ít có quốc gia nào tính theo tháng. Việt Nam chưa triển khai tính LTT theo giờ, ngày bởi trước đây chúng ta quan niệm LTT nằm trong khu vực có quan hệ lao động. "Do đó, bây giờ chúng ta cần thay đổi quan niệm, cách nghĩ để mở rộng LTT ra cả khu vực không có quan hệ lao động hay còn gọi là khu vực phi chính thức. Đây là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH và Hội đồng Tiền lương quốc gia" - ông Huân thông tin.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, đề xuất nên chuyển sang hệ thống LTT theo giờ thay vì theo tháng như hiện nay. Lý giải đề xuất này, ông Thành cho rằng LTT tính theo tháng và tăng liên tục như hiện nay không phải là công cụ tốt và Việt Nam cần rất thận trọng khi sử dụng công cụ này. Ở khía cạnh nào đó, công cụ này chỉ bảo vệ được người lao động trong khu vực chính thức, còn khu vực lao động phi chính thức không được hưởng lợi.
"Bên cạnh đó, với mức LTT chỉ quy định theo tháng như hiện nay, người lao động làm việc theo giờ hoặc theo ngày sẽ gặp nhiều bất lợi. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, LTT cần được quy định thêm theo giờ. Điều này bảo đảm rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động" - nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị.
Bảo đảm quyền lợi hai bên
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động - tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), bà Tống Thị Minh, cho biết trong quá trình xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, Bộ LĐTB-XH đề xuất cần có LTT theo giờ. Bà Minh nhấn mạnh: "Để phù hợp với thị trường lao động hiện nay, chúng ta cần có quy định và thực hiện trả LTT theo giờ nhằm tạo sự bình đẳng, công bằng cho cả người sử dụng lao động và người lao động".
Bình luận (0)