"Để tham gia khóa đào tạo chuyên môn ở trụ sở chính của công ty đặt tại Indonesia, tôi phải ký hợp đồng đào tạo cam kết làm việc cho họ 2 năm sau khi kết thúc khóa học. Nếu tôi vi phạm cam kết và nghỉ việc trước thời hạn đó thì phải bồi thường 8.000 USD chi phí đào tạo. Tôi đã cố gắng tuân thủ cam kết nhưng kết cục lại cảm thấy mình bị lừa". Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Tri Thông - bác sĩ từng làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ y tế ở quận 1, TP HCM - với Báo Người Lao Động.
Lừa dối người lao động?
Anh Thông cho biết sau khi hoàn tất hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 2 năm theo thỏa thuận, anh xin thôi việc và được công ty chấp nhận. Mới đây, khi thực hiện thủ tục thanh lý HĐLĐ, anh có yêu cầu công ty trả lại những chứng chỉ được cấp khi tham gia khóa đào tạo chuyên môn nói trên nhưng không được chấp nhận. Lý do là công ty không có chức năng đào tạo nên các chứng chỉ đó chỉ có giá trị nội bộ và không có tính pháp lý. "Công ty thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện y tế, thu phí đào tạo và cấp bằng. Thêm vào đó, khi thuyết phục ký hợp đồng đào tạo, công ty cho biết sau khóa học, tôi sẽ được cấp chứng chỉ có giá trị quốc tế. Song, giờ công ty lại phủ nhận toàn bộ, đây rõ ràng là hành vi lừa dối người lao động (NLĐ)" - anh Thông bức xúc.
Đòi bồi thường vô tội vạ
Ngoài vi phạm thỏa thuận đã giao kết, việc doanh nghiệp đòi bồi thường chi phí đào tạo bất hợp lý cũng làm phát sinh tranh chấp lao động không đáng có.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi
Điển hình là vụ tranh chấp đòi bồi thường chi phí đào tạo giữa Công ty TNHH H.N (tỉnh Đồng Nai) và chị Đỗ Thị Thơ xảy ra cách đây không lâu. Theo đó, chị Thơ được tuyển dụng vào công ty làm việc từ tháng 1-2013. Từ ngày 10-5 đến 2-8-2014, chị được công ty đưa đi đào tạo nghề tại Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng gang thép Vũ Hán (Trung Quốc). Trước khi tham gia khóa đào tạo này, chị Thơ đã ký cam kết sau khi kết thúc khóa đào tạo sẽ làm việc cho công ty trong thời hạn 3 năm (kể từ ngày 31-3-2014). Nếu nghỉ việc trước thời hạn đó, chị phải hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo cho công ty. Sau khi đi đào tạo về, chị Thơ tiếp tục làm việc cho công ty và ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm (từ ngày 4-11-2014). Đến ngày 11-8-2015, chị xin nghỉ việc vì lý do cá nhân. Trước khi nghỉ việc, ngày 9-8-2015, chị Thơ và công ty đã ký "Giấy cam kết phân kỳ hoàn trả chi phí đào tạo do vi phạm cam kết đào tạo". Theo đó, sau khi khấu trừ thời gian đã làm việc thì chị Thơ phải hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty gần 210 triệu đồng gồm: Phí bảo hiểm tai nạn con người; phí công tác; phí visa; vé máy bay; phí ăn, ở; phí đào tạo và phí giao thông trong thời gian đào tạo. Sau đó, chị Thơ đã hoàn trả cho công ty được 3 đợt với tổng số tiền là 35 triệu đồng rồi ngưng hẳn vì cho rằng khoản phí đào tạo 119 triệu đồng mà công ty đòi bồi thường là không có căn cứ. "Tôi chỉ chấp nhận hoàn trả các khoản tiền gồm: Phí bảo hiểm tai nạn con người; phí công tác; phí visa; phí vé máy bay; phí ăn, ở và phí giao thông trong thời gian đào tạo với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng. Riêng khoản học phí, tôi không chấp nhận vì trong các chứng cứ công ty cung cấp không có khoản chi phí nào thể hiện là học phí" - chị Thơ nêu.
Tại phiên xử mới đây, dù phía công ty đã cung cấp các chứng cứ chứng minh các khoản chi phí đào tạo, văn bản xác nhận học phí của chị Thơ của đơn vị đào tạo tại Trung Quốc, song tòa cho rằng những chứng cứ đó rất chung chung và bác yêu cầu của công ty.
Phải có chứng từ hợp lệ
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, Bộ Luật Lao động cho phép doanh nghiệp được tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình mà không phải đăng ký hoạt động dạy nghề nhưng phải tuân thủ quy tắc không được thu học phí và phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Mặt khác, việc tính chi phí đào tạo phải được dựa trên những chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT cho người học trong thời gian đi học.
Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài. Pháp luật quy định khá rõ ràng nhưng vì doanh nghiệp phớt lờ nên mới dẫn đến các vụ tranh chấp lao động.
Bình luận (0)