xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần xem xét thấu đáo

NHÓM PHÓNG VIÊN

Chỉ khi cuộc sống được bảo đảm và có tích lũy thì người lao động không còn nghĩ đến việc nhận BHXH một lần và an tâm đóng, bảo lưu BHXH để hưởng lương hưu

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó đáng lưu ý có nội dung đề xuất rằng: nếu người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH và đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng BHXH. Đề xuất này của Bộ LĐ-TB-XH lập tức gây tranh cãi.

Đối diện khó khăn trong khi không có tích lũy

Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM), cho biết hiện tập thể NLĐ tại công ty rất quan tâm thông tin chỉ được nhận 50% mức hưởng so với trước đây khi nhận BHXH một lần. Một số NLĐ cho hay nếu đề xuất được thông qua, họ sẽ xin không tham gia BHXH nữa, đề nghị doanh nghiệp trả khoản phải đóng vào lương và chỉ tham gia BHYT.

Cần xem xét thấu đáo - Ảnh 1.

Người lao động mong muốn quyền lợi BHXH luôn thiết thân và phù hợp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cũng theo bà Lĩnh, NLĐ cũng cho rằng việc đóng BHXH là nghĩa vụ nhưng cũng là quyền lợi của NLĐ nên họ phải được quyền quyết định. Hơn nữa, cũng chỉ NLĐ mới biết thời điểm rút BHXH một lần có thật sự cần thiết và dùng vào mục đích gì. Hiện nay, thu nhập bình quân của NLĐ khoảng 5 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca thì đạt khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Với thu nhập đó, lo chi phí sinh hoạt, nuôi 2 con ăn học, ở nhà trọ… đã rất chật vật, chưa kể vật giá ngày càng leo thang. Trong hoàn cảnh đó thì rất ít NLĐ nghĩ đến việc đến già sống bằng gì khi không có lương hưu. Một khi không có khoản tích lũy thì khi gặp khó khăn NLĐ sẽ nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần. "Thay vì đề xuất cắt giảm quyền lợi, cơ quan tham mưu chính sách nên khảo sát toàn diện đời sống của công nhân (CN) để có phương án cải thiện thu nhập và đời sống của họ. Chỉ khi cuộc sống được bảo đảm và có tích lũy thì NLĐ sẽ không còn nghĩ đến việc nhận BHXH một lần và an tâm đóng, bảo lưu BHXH để hưởng lương hưu" - bà Lĩnh bày tỏ.

Không nên cắt giảm quyền lợi

Chị Nguyễn Thị Lan, CN một DN tại KCX Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm và thu nhập của CN bị ảnh hưởng thì lựa chọn nhận BHXH khi rơi vào cảnh mất việc làm là tất yếu. "Ai cũng mong muốn có lương hưu nhưng chúng tôi sẽ lấy gì để trang trải khi chưa tìm được việc làm mới? Do vậy, Bộ LĐ-TB-XH phải cân nhắc khi đưa ra đề xuất này, đừng đẩy thiệt thòi cho NLĐ" - chị Lan bộc bạch.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, chia sẻ cá nhân ông không ủng hộ NLĐ nhận BHXH 1 lần, song cũng không đồng tình với đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH một lần so với quy định hiện hành theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH. Theo tính toán của cơ quan BHXH, mỗi năm NLĐ đóng vào quỹ BHXH là 2,64 tháng lương nhưng khi hưởng BHXH một lần chỉ được hưởng 2 tháng lương, nếu nay tiếp tục giảm mức hưởng thì NLĐ sẽ không đồng thuận. "Tôi nghĩ mục đích của đề xuất này là nhằm hạn chế NLĐ hưởng BHXH một lần, hướng đến việc tham gia BHXH lâu dài nhằm đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm an sinh khi về già. Thiết nghĩ để thực hiện mục tiêu này thành công thì cần cải thiện chính sách hưởng lương hưu sao cho hấp dẫn nhằm thu hút NLĐ tham gia, hạn chế hưởng BHXH một lần, chứ không nên chỉ hướng đến việc cắt giảm quyền lợi NLĐ" - ông Triều nói.

Làm rõ căn cứ đề xuất

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, khoản 3 điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN. Từ quy định này có thể hiểu phần mà NSDLĐ đóng cũng thuộc quyền lợi của NLĐ. Căn cứ nguyên tắc của Luật BHXH thì có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, cho nên đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần chưa tuân thủ đúng nguyên tắc này và không sòng phẳng với NLĐ. "Thời gian gần đây số người nhận BHXH 1 lần tăng cao chủ yếu là do thay đổi về chính sách, đặc biệt là việc tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỉ lệ tính lương hưu đối lao động nữ, dẫn đến NLĐ phải kéo dài thời gian đóng BHXH và khó đạt được mức lương hưu tối đa. Do đó, nếu tiếp tục sửa đổi luật theo hướng cắt giảm quyền lợi của NLĐ sẽ khó nhận được sự đồng thuận. Một khi chính sách không đạt được sự đồng thuận thì sẽ rất khó thực thi" - ông Phúc khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về đề xuất này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết những quyền lợi đang có mà bị giảm đi thì đối tượng được thụ hưởng sẽ không đồng tình, bởi khi xây dựng chính sách thì phải tính toán trên cơ sở cân đối quỹ cũng như mức hưởng của NLĐ căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ. Bà Ngân cho rằng khi thay đổi chính sách cần phải giải thích rõ ràng cho người đang thụ hưởng chính sách, vì sao thay đổi, ví dụ như căn cứ vào điều gì để cắt giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần? Vì lý do cân đối quỹ nên phải cắt giảm hay vì bảo vệ quyền lợi lâu dài của NLĐ?. Trong bối cảnh NLĐ đang khó khăn như hiện nay thì đề xuất giảm đó có hợp lý hay không?. "Việc giải thích đó phải tạo được sự đồng thuận của các bên trước khi ban hành chính sách" - bà Ngân nêu quan điểm. Theo bà Ngân, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH 1 lần của Bộ LĐ-TB-XH không phải là giải pháp triệt để, căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng rút BHXH 1 lần của NLĐ, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH.

Tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện

Theo luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dịch bệnh càng diễn biến phức tạp thì số lao động mất việc sẽ gia tăng. Mất việc làm đồng nghĩa với việc NLĐ không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống, do vậy họ không có lựa chọn nào khác ngoài nhận BHXH một lần. "Chúng ta không thể trách NLĐ trong trường hợp này bởi họ còn phải lo cho gia đình. Để hạn chế tình trạng NLĐ nhận BHXH có rất nhiều cách, trong đó có việc tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Thay vì chỉ có 2 chế độ như hiện nay (hưu trí và tử tuất), BHXH nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Ngoài ra, có thể tích hợp thêm chính sách BHYT, để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT" - ông Đức đề xuất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo