Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhằm bảo đảm yêu cầu giãn cách xã hội của các địa phương, đa số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã xây dựng quy trình tuyển dụng, đào tạo, phỏng vấn online để tạo điều thuận lợi cho người lao động (NLĐ) có thể theo đuổi ước mơ ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp do Covid-19 đang tăng cao nên NLĐ có tâm lý muốn nhanh chóng tìm được công việc ưng ý. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã tìm mọi cách để moi tiền NLĐ.
Sập bẫy
Độ tuổi của NLĐ có nhu cầu tham gia chương trình XKLĐ dao động từ 18-35. Đây là những người ưa thích sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook và có thói quen xem tin tức quảng cáo trên các trang này.
Người lao động khai hồ sơ online một chương trình xuất khẩu lao động
Lợi dụng thói quen này, một số đối tượng đã đăng các bài quảng cáo tuyển dụng, đơn hàng đi Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc với chi phí rẻ, tiêu chuẩn tuyển chọn thấp, quy trình phỏng vấn và học ngoại ngữ rất đơn giản. Lời mời gọi hấp dẫn này đã khiến không ít NLĐ thiếu tỉnh táo và sập bẫy.
Điển hình là trường hợp chị Đ.T.H, 22 tuổi, quê ở Trà Vinh. Thông qua bạn bè chia sẻ trên Zalo, chị H. đọc được mẩu quảng cáo đơn hàng tuyển 10 phụ nữ đi Nhật Bản, làm việc ở ngành chế biến thực phẩm, hình thức phỏng vấn online tại nhà. Thấy mức lương hấp dẫn, ngành nghề đúng sở thích, cộng với điều kiện tuyển dụng rất dễ nên chị H. đã đăng ký tham gia. Do chủ quan không kiểm tra thông tin công ty tổ chức phỏng vấn nên chị đã chuyển 5 triệu đồng tiền cọc cho một cá nhân. Sau khi chuyển tiền xong, chị nhiều lần gọi điện thoại liên hệ nhưng người này biệt vô âm tín.
Trước đây, NLĐ có thể trực tiếp đến trụ sở công ty phái cử để kiểm chứng quy mô hoạt động và uy tín của DN. Các khoản tiền thường đóng trực tiếp cho kế toán, có phiếu thu hoặc hóa đơn kèm theo. Thế nhưng, với tình hình giãn cách xã hội hiện tại, quy trình làm hồ sơ, đào tạo, phỏng vấn, kể cả việc chuyển khoản tiền đặt cọc của các công ty XKLĐ, đều giao dịch qua hình thức online.
Lợi dụng lỗ hổng này, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên các công ty khác nhau để đăng tuyển đơn hàng lôi kéo NLĐ. Khi NLĐ liên hệ, các đối tượng này tư vấn chương trình như nhân viên chính quy. Sau đó, họ đề nghị NLĐ cung cấp thông tin cá nhân để khai hồ sơ online như các công ty vẫn làm, nhằm tạo lòng tin. Khi hoàn tất hồ sơ, đến phần lên kế hoạch đào tạo tác phong, ngoại ngữ và hẹn ngày phỏng vấn, các đối tượng này bắt đầu đề nghị NLĐ chuyển khoản tiền đặt cọc. Vì mọi việc đều diễn ra online nên NLĐ dễ dàng bị dẫn dắt và nhanh chóng chuyển khoản.
Nhận diện và phòng tránh
Theo ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, Trưởng Phòng Thị trường Công ty TNHH Texgamex-VN, lợi dụng tâm lý nôn nóng muốn ra nước ngoài làm việc của NLĐ và những lỗ hổng trong quy trình giao dịch online của các DN, tình trạng lừa đảo XKLĐ xuất hiện với tần suất dày hơn, đi kèm nhiều hình thức mới mẻ. Do vậy, để nhận diện và phân biệt đâu là thông báo tuyển dụng chính quy, NLĐ nên bình tĩnh thực hiện kiểm tra theo từng bước.
Đầu tiên, NLĐ cần phải xác định được tên công ty đang đăng tuyển và tiến hành xác minh thông qua người có kinh nghiệm trong lĩnh vực XKLĐ để kiểm chứng xem công ty đó có giấy phép hay không. NLĐ cũng có thể tham khảo thêm thông tin trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (www.dolab.gov.vn) để đối chiếu thông tin các công ty được cấp phép.
Tiếp theo, NLĐ nên yêu cầu nhân viên tư vấn online gửi các hình ảnh, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của công ty ở Việt Nam và nước tiếp nhận. Cụ thể, đối với đơn vị trong nước, NLĐ có thể yêu cầu xem giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hình ảnh hoạt động, website công ty. Đối với công ty tiếp nhận tại nước ngoài, NLĐ có thể yêu cầu tham khảo hình ảnh nơi làm việc, hình ảnh lao động Việt Nam đã sang làm việc hoặc website chính thức của công ty đó. Nếu thông báo tuyển dụng là giả mạo, đối tượng sẽ rất khó cung cấp đầy đủ các thông tin này.
Về thông tin xuất hiện trong các bài quảng cáo, NLĐ cũng cần bình tĩnh kiểm tra tính chính xác của từng nội dung. Về mức lương, các thị trường XKLĐ phổ biến hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều có mức lương cơ bản được chính phủ công khai. NLĐ có thể tự so sánh để phát hiện xem mức lương đăng tuyển có bị "thổi phồng" để tăng tính hấp dẫn hay không. Về chi phí tham gia, các công ty đều phải bảo đảm tuân theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì thế, NLĐ có thể nhận biết dấu hiệu lừa đảo nếu chi phí được quảng cáo là thấp, có nhiều hỗ trợ hấp dẫn.
Bình luận (0)