Không có chức năng hoạt động trong dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ), không được cấp phép hoạt động, đặc biệt là không có đối tác nào ở nước ngoài nhưng các công ty "ma" vẫn len lỏi về các vùng quê, tận dụng triệt để mạng xã hội để giăng bẫy người lao động (NLĐ) có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Không chỉ lừa NLĐ đến các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, các đối tượng này còn lừa NLĐ đến cả những nước chưa hề có ký cam kết hợp tác lao động với Việt Nam.
Ăn bánh vẽ
Các thị trường mới, lạ, chưa có hợp tác về lao động với Việt Nam là những miếng mồi mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng. Trong một group (nhóm) mở trên Facebook có tên "Cộng đồng người Việt ở châu Âu", một thành viên có tên V.H.Q liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng lao động sang làm việc tại Anh, Iceland, Bulgaria, Thụy Điển.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người này hiện đang ở Pháp và hành nghề tự do, chủ yếu là môi giới lao động. Khi được hỏi quy trình và cách thức để sang Iceland làm việc, người này cho biết một đại diện của người này tại Việt Nam đang ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) sẽ trực tiếp làm việc. Mọi giấy tờ, thủ tục, tiền bạc đều đóng cho đại diện này. Khi phóng viên liên lạc với người đại diện tên Quý để hỏi thủ tục thì được hướng dẫn làm visa du lịch châu Âu, sau đó người của họ bên đó sẽ bố trí để ở lại và đi làm với mức lương cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Tổng chi phí cho đến khi đặt chân đến chỗ làm ở Iceland là gần 700 triệu đồng! Khi chúng tôi thắc mắc về tính hợp pháp của visa lao động thì vị đại diện này luôn miệng cam đoan sẽ lo được tất cả. Nghi ngờ dấu hiệu lừa đảo nên phóng viên đã từ chối. Khi vào Facebook cá nhân của người tên Quý và V.H.Q đều thấy những thông tin tiễn đoàn bay đi châu Âu, đi Mỹ, đi Úc trong khi dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát và lịch cấm bay vẫn còn hiệu lực.
Người lao động tìm hiểu thủ tục ra nước ngoài làm việc. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện NLĐ Việt Nam đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các hình thức sau: Thông qua các DN đã được cục thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Đối với thị trường châu Âu, hiện nay cục thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan (nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm), Lithuania (nghề hàn, may mặc), Hungary (nông nghiệp, công nghiệp), Bulgaria (cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp), Cộng hòa Cyprus (nông nghiệp), Thổ Nhĩ Kỳ (may mặc), Slovakia (điện tử;), Belarus (xây dựng, hàn, mộc), Bồ Đào Nha (nông nghiệp).
Ngoài ra còn có CHLB Đức với các ngành nghề như: điều dưỡng, xây dựng, cơ khí, nhà hàng khách sạn… nhưng phải tham gia học tập theo hình thức du học nghề, sau đó mới ra làm việc. Như vậy, các thị trường không có tên trong thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước đưa ra đều có nguy cơ lừa đảo cao.
Tiền mất tật mang
Mới đây, 12 thanh niên cùng một thôn ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình được giám đốc một công ty có trụ sở đặt tại TP Vinh tiếp cận giới thiệu gói sang Úc làm việc lương cao. Vị giám đốc này được một người quen trong thôn với 12 thanh niên kia đưa về giới thiệu. Theo "kịch bản" do vị giám đốc này vẽ ra, để sang Úc làm việc hợp pháp, trước tiên, NLĐ phải sang Malaysia và nhập tịch quốc gia này. Chi phí mỗi người phải bỏ ra để tham gia chương trình đặc biệt này là 1 tỉ đồng.
Thấy cơ hội tốt, lại được người thân giới thiệu nên nhiều gia đình đã vay mượn tiền để lo cho con đi Úc. Sau khi nhận tiền, vị giám đốc cho biết sẽ về làm thủ tục để đưa số thanh niên trên sang Malaysia trước khi sang Úc. Chờ mãi không thấy, gọi điện không được, họ kéo nhau đến trụ sở công ty in trên danh thiếp của vị giám đốc kia thì mới biết mình bị lừa.
Nhiều trường hợp "đi đúng cửa" nhưng rồi bỏ cửa này tìm cửa khác để lại bị lừa. Đó là trường hợp của chị L.T.M.X (26 tuổi, quê Đồng Tháp). Chị X. có mong muốn sang Nhật Bản làm việc khi thấy bạn bè đi trước có thu nhập ổn định. Chị X. chủ động liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp để đăng ký tham gia đơn hàng thực phẩm. Sau khi được trung tâm tư vấn cặn kẽ về thủ tục, quy trình, thời gian học tiếng... cho đến chi phí, chị về nhà xin phép gia đình để lên nhập học.
Tuy nhiên, sau khi biết ý định của X., một người thân trong gia đình ở TP HCM đã gọi điện về kêu X. lên TP HCM học cho nhanh vì người thân này quen biết nhiều nơi có thể lo cho X. đi nhanh hơn với chi phí thấp hơn rất nhiều. Chị X. và gia đình quyết định nghe theo người thân này để rồi "tiền mất tật mang". Sau đó, X. phải quay về tỉnh nhà, đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp để làm lại từ đầu.
Cẩn trọng với công ty tạo nguồn
Hiện nay, rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ nhưng những trường hợp bị lừa chủ yếu là các công ty tạo nguồn. Các công ty này liên kết với các DN khác để tìm kiếm người có nhu cầu đi nước ngoài làm việc trong khi chức năng chính chỉ là tạo nguồn chứ không được trực tiếp đưa NLĐ đi. Không ít NLĐ do thiếu hiểu biết đã đóng tiền cho các DN này để rồi không đi được và cũng rất khó đòi lại số tiền đã đóng bởi các công ty này đã "cài" các điều khoản trong hợp đồng mà NLĐ không hay biết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-10-2020
Kỳ tới: Làm gì để tránh rủi ro?
Bình luận (0)