Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết "Tuổi 60 - 62 với công nhân xa vời lắm" và nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Bạn đọc Hoàng Tuy góp ý: Theo tôi ,xây dựng dự thảo phải có căn cứ thực tiễn chính xác. Ví dụ số người rút bảo hiểm 1 lần là nhóm nào, độ tuổi bao nhiêu đã tham gia bao nhiêu năm tại sao rút 1 lần. Số tham gia theo nhóm tuổi 30, 40, 45, 47 từng nhóm v.v số nghỉ hưu sống được 1, 2, 5, 7, 10 ,12,15,20 năm từng nhóm. Và nhiều vấn đề liên quan đến đóng, hưởng, quyền lợi, nghĩa vụ nữa. Từ đó mới ra được chính sách đi vào lòng dân". Theo bạn đọc Lê Hoàng Tùng, việc cào bằng độ tuổi nghỉ hưu là không hợp lý. Ví dụ: Cũng là nghề giáo, nhưng giáo viên mầm non tuổi 59-60 liệu có bậc phụ huynh nào muốn cho con mình học không; Ông thợ hồ 60 tuổi có chủ doanh nghiệp nào thuê không. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cho một bộ phận lao đông, thì cũng phải rút ngắn tuổi nghỉ hưu cho một bộ phận lao động".
Bạn đọc Hanh Phan góp ý: "Luật BHXH sao bất cập quá. Người lao động 40 - 45 tuổi DN muốn cho nghỉ, rồi vậy mà BHXH lại tạo điều kiện cho người 45 - 47 tuổi tham gia BHXH muộn, tuổi nay ai nhận vào làm nữa đâu mà tham gia BHXH?". Một bạn đọc tên Danh viết: "Dứt khoát phải trưng cầu ý kiến người lao động trong toàn quốc để đưa tuổi hưu về lại 55 tuổi với nam 52 tuổi với nữ. Người lao động bất kể nam hay nữ nếu đóng đủ 30 năm BHXH thì mặc định hưởng lương hưu mà không kèm điều kiện gì".
Bạn đọc Nguyễn Đức Thuận dẫn chứng: "Như ở chỗ tôi. Thấy công nhân công ty môi Trường đô thị Nha Trang. Làm việc vất vả nặng nhọc và độc hại. Vậy thử hỏi sao họ làm việc được tới tuổi hưu như nhà nước qui định. Hãy đặt mình vào vị trí người công nhân lao động trực tiếp rồi mới hiểu". Bạn đọc Huỳnh Lam Duy bày tỏ: "Vấn đề lương hưu đã nói quá nhiều nhưng vẫn chưa có hồi kết. Nếu nghĩ cho người lao động thì hãy đề xuất phương án linh hoạt để họ nhận lương hưu hay đóng tiếp khi bị doanh nghiệp cho nghỉ việc. Ví dụ, NLĐ bị nghỉ việc lúc 45 tuổi, đã đóng BHXH 20 năm thì họ có thể xin nhận lương hưu (dù thấp) hoặc đóng tiếp để có lương hưu cao, vậy mới ưu việt. Chúng ta không nên so sánh với nước khác mà hãy từ thực tiễn Việt Nam".
Một bạn đọc giấu tên chia sẻ: "Trước đây tuổi nghỉ hưu nữ 55 tuổi đóng đủ 25 năm, nam 60 tuổi đóng đủ 30 năm là được hưởng 75%, bây giờ tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thêm 5 năm đóng nữa mới được 75%. Ở công ty tư nhân lại cộng dồn toàn bộ các năm đóng nên lương hưu rất thấp. Các quy định số năm đóng, tuổi nghỉ hưu đều giống với lao động nhà nước còn mức hưởng thì lại khác nhau, ở các doanh nghiệp nhà nước tính 5 năm cuối nên lương hưu cao. Rõ ràng là có sự phân biệt, Vì vậy, Luật BHXH cũng phải tách riêng ra cho khu vực công và tư".
Góp ý hoàn thiện chính sách, nhiều ý kiến đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu xuống (đối với nam) là 57 tuổi, (đối với nữ) là 55 tuổi. Đóng bảo hiểm dưới 20 năm (nếu có nguyện vọng) thì cho đóng BHXH tự nguyện để chờ hưu, hoặc cho rút một lần (tùy vào hoàn cảnh của mỗi người". Còn nếu đóng BHXH trên 30 năm thì nên cho người lao động được quyền chọn chế độ được nghỉ hưu. "Theo tôi, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (như cũ); như vậy, sẽ tạo cơ hội cho người trẻ, giảm thiểu số lượng người nhiều tuổi để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Mức hưởng BHXH sẽ tính theo số năm đóng" - một bạn đọc tên Phong bày tỏ.
Với bạn đọc Phạm Hải Đăng, cần có cơ chế để giữ việc phù hợp sức khỏe (thu nhập thường xuyên) cho người lao động khi tuổi ngoài 40, để họ vừa có thu nhập, vừa duy trì đóng BHXH, hơn là cứ đi tìm cách để người lao động từ bỏ BHXH. Đó là cái gốc của mọi vấn đề. Bạn đọc Phùng Phước Khang chất vấn: Tại sao không giảm tuổi nghỉ hưu mà cứ giảm số năm đóng bảo hiểm. Tuổi hưu càng cao thì người rút bảo hiểm 1 lần sẽ càng tăng". Với bạn đọc tên Châu, không cần quy định tuổi nghỉ hưu, cứ đóng đủ 20 năm thì cho hưởng lương hưu là hợp lý nhất.
Bình luận (0)