Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhân sự quy mô lớn do kinh doanh khó khăn. Thế nhưng, không phải "cuộc chia tay" nào giữa DN và người lao động (NLĐ) cũng êm đẹp. Vậy làm sao để hai bên tìm được tiếng nói chung? Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phước Tuấn - Giám đốc nhân sự The Coffee House (nguyên Giám đốc nhân sự Tập đoàn Bán lẻ Auchan của Pháp tại Việt Nam).
. Phóng viên: Nhìn lại câu chuyện ở Auchan, ông có lời khuyên nào cho các DN nếu rơi vào tình huống tương tự?
Ông TRẦN PHƯỚC TUẤN
- Ông TRẦN PHƯỚC TUẤN: Thời điểm Tập đoàn Auchan quyết định rút toàn bộ khỏi thị trường Việt Nam, tôi đặt ra 2 mục tiêu chính khi xây dựng phương án là duy trì hình ảnh tích cực về công ty, đồng thời hỗ trợ NLĐ ở mức khả thi nhất để giúp họ bớt áp lực và tự tin tìm việc làm mới.
Theo tôi, để làm được điều đó, trước hết thông tin phải được truyền tải một cách trung thực. NLĐ cần được biết tình hình DN đang gặp phải và các gói hỗ trợ, giải pháp mà họ sẽ nhận được. Thông tin phải được cập nhật liên tục và khuyến khích giao tiếp trực tiếp thay vì gửi qua email. Thông báo nghỉ việc tốt hơn hết nên tránh các thời điểm như lễ, Tết hoặc trong kỳ nghỉ phép của nhân viên. Hơn nữa, DN nên tránh công khai thông tin cá nhân và cố gắng giữ liên lạc với những NLĐ bị ảnh hưởng để theo dõi tình hình cũng như hỗ trợ khi cần thiết.
Tất nhiên, để xử lý thấu tình đạt lý, cần phải dựa trên nền tảng văn hóa, giá trị cốt lõi của DN. Nếu tổ chức đã gieo trồng những hạt giống tốt, xây dựng môi trường tử tế từ trước thì luôn nhận được sự đồng thuận, thông cảm từ số đông NLĐ.
. Việc cắt giảm sẽ tác động như thế nào đối với NLĐ cũng như danh tiếng của DN?
- Cách hành xử của DN có thể tác động lớn đến tinh thần, tâm lý và danh dự của NLĐ. Đồng thời, chính điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, danh tiếng của tổ chức trước công chúng và những nhân viên đang ở lại. Nếu công ty đối xử tử tế, NLĐ sẽ cảm thấy được tôn trọng và có niềm tin để vượt qua khủng hoảng. Nhờ đó tạo nền tảng cho mối quan hệ chuyên nghiệp tích cực giữa DN và NLĐ trong tương lai.
The Coffee House chú trọng tới việc xây dựng môi trường văn hóa tử tế, gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Ảnh: MÂY TRINH
. Trong những tình huống này, vai trò của người làm nhân sự được thể hiện như thế nào?
- Người làm nhân sự đóng vai trò như cầu nối giữa DN và NLĐ. Do đó, hãy cẩn trọng với những phát ngôn của mình và tránh hành động cảm tính, bộc phát. Các phương án hỗ trợ NLĐ cần phù hợp với pháp luật và được xem xét dưới góc độ rủi ro, hiệu quả cho từng tổ chức. Phải dám nghĩ, dám làm để tư vấn, ý kiến đến ban lãnh đạo. Dành thời gian tham vấn các chuyên gia, tìm hiểu những trường hợp tương tự trên thị trường lao động. Nên đặt mình vào chính hoàn cảnh của những nhân sự mất việc để tìm ra cách giải quyết tốt nhất và hài hòa lợi ích hai bên.
. Ông có lời khuyên nào cho NLĐ khi rơi vào diện cắt giảm?
- Điều quan trọng là NLĐ cần được hiểu quyết định cắt giảm hàng loạt thường được đưa ra trong một tình huống nhất định, vì các lý do khách quan chứ không chỉ do vấn đề năng lực kém. Biết đâu, đây cũng là cơ hội để họ tìm kiếm một vị trí phù hợp khác và phát triển ở vai trò mới. Đôi khi, một cánh cửa đóng lại sẽ mở ra những điều tốt đẹp hơn, vậy nên, hãy suy nghĩ tích cực và hướng tới tương lai, cơ hội luôn gõ cửa.
Hài hòa lợi ích
Hơn 4 năm trước, Tập đoàn Bán lẻ Auchan quyết định rút khỏi Việt Nam, ông Tuấn đã đưa ra phương án giải quyết thấu đáo và nhận được sự ủng hộ của đa số NLĐ. Không chỉ viết thư ngỏ lên trang cá nhân, kết nối mạng lưới nhân sự và giới thiệu việc làm mới cho NLĐ, ông Tuấn còn đàm phán với tập đoàn gói hỗ trợ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động tốt hơn mặt bằng chung mà vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Bình luận (0)