Tiếp đoàn khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Tổ chức Tài chính vi mô CEP vào chiều 30-5, bà Trần Ngọc Hoa (ngụ số 451/106 Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8, TP HCM) không giấu được xúc động khi kể nhờ vay vốn CEP, vợ chồng bà mới có tiền để lo cho bản thân lúc ốm đau, bệnh tật bất ngờ.
Chỗ dựa của người lao động
Bà Hoa hiện làm lao công cho Công ty Giải Pháp Tươi Sáng; lúc rảnh, bà lượm ve chai để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Chồng bà đã lớn tuổi, không còn khả năng lao động. Vợ chồng bà Hoa không có con hay người thân nên cuộc sống rất khó khăn. Với tổng thu nhập 2 triệu đồng/tháng, vợ chồng bà phải ở trọ tại một khu hẻo lánh.
Đoàn khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cùng Tổ chức Tài chính vi mô CEP tới thăm thành viên CEP trên địa bàn quận 8, TP HCM
Cũng ngụ tại quận 8, vợ chồng bà Liễu Bảo Khứ sống bằng nghề buôn bán phế liệu. Với thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, bà còn phải nuôi cậu con trai đang học đại học. Con gái bà học xong lớp 12 đã nghỉ, hiện bán mỹ phẩm. Cả gia đình bà Khứ sống tạm bợ trong căn nhà dựng bằng tôn, trên bờ sông. Trước đây, bà từng vay nặng lãi và lâm vào nợ nần tưởng như không thể cứu vãn. "Nếu không có sự trợ giúp kịp thời từ CEP, gia đình tôi đã mất nhà vì nợ nặng lãi. CEP cũng đã hỗ trợ sửa nhà và trao học bổng cho 2 con tôi trong nhiều năm. Nhờ CEP mà chúng tôi làm được cái nền nhà này, chứ trước đây lủng tới lủng lui mà không có tiền sửa" - bà Khứ phấn khởi khoe.
Tổ chức Tài chính vi mô CEP Chi nhánh quận 8 cũng đã giúp không ít hộ gia đình khác tiếp cận được nguồn tín dụng lành mạnh. Chị Phan Thị Xuân (ngụ quận 8) xuất thân từ gia đình nghèo khó, cuộc sống trước đây luôn túng thiếu, nhiều lúc không lo nổi miếng cơm manh áo hay thuốc thang. Chị phải vay nặng lãi để trang trải cuộc sống khi chưa biết đến nguồn vốn tại CEP. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, tiếp cận được vốn tại CEP, cuộc sống gia đình chị đã cải thiện rất nhiều, không những không thiếu nợ mà còn có tích lũy tiết kiệm tại CEP gần 20 triệu đồng.
Đưa vốn đến tận tay người nghèo
Tổ chức Tài chính vi mô CEP, tiền thân là Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, được thành lập vào năm 1991, là một trong những chương trình hành động cụ thể của LĐLĐ TP HCM tham gia xây dựng chiến lược giảm nghèo và tạo việc làm một cách bền vững trong công nhân và người lao động. CEP là tổ chức tiên phong trong lĩnh vực tài chính vi mô của hệ thống Công đoàn. Với hiệu quả của mô hình hoạt động CEP, năm 2007, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có chủ trương nhân rộng Quỹ Trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tự tạo việc làm. Đến nay, trong cả hệ thống Công đoàn Việt Nam đã có 10 chương trình tài chính vi mô (quỹ trợ vốn) và 1 tổ chức tài chính vi mô chính thức (CEP).
Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho biết trong suốt chặng đường gần 28 năm qua, CEP luôn nỗ lực, kiên trì đưa những đồng vốn tín dụng nhỏ, dịch vụ tiết kiệm và chương trình phát triển cộng đồng đến tận tay hàng triệu công nhân, lao động nghèo và người có thu nhập thấp, góp phần cải thiện cuộc sống và giảm nghèo. Đến cuối năm 2018, CEP đang phục vụ cho 330.330 hộ gia đình CNVC-LĐ nghèo thông qua mạng lưới 34 chi nhánh tại 9 tỉnh, thành gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh với tổng dư nợ cho vay 3.732 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc giữa Tổ chức Tài chính vi mô CEP với đại diện NHNN, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, đánh giá cao hiệu quả an sinh xã hội, giải quyết đói nghèo trong các hoạt động của tổ chức. "Tôi ghi nhận những việc làm của Tổ chức Tài chính vi mô CEP thể hiện giá trị nhân văn rất lớn, đóng góp hiệu quả cho xã hội. Nhà nước khuyến khích phát triển mô hình này để giải quyết đói nghèo vì tín dụng là giải pháp hiệu quả nhất trong các công cụ xóa đói, giảm nghèo hiện nay" - ông Tú nói và lưu ý CEP nên sâu sát trong việc "trao cho người nghèo cần câu thay vì cho con cá". Buổi làm việc của Tổ chức Tài chính vi mô CEP với đại diện NHNN cũng đã cung cấp cái nhìn thực tế về tình hình hoạt động, những khó khăn, thách thức mà CEP và hoạt động tài chính vi mô trên cả nước đang đối diện. Đây cũng sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế, quy định và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động tài chính vi mô.
Bình luận (0)