Ngoài khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ) và quan hệ lao động trên địa bàn, các cấp CĐ chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là xu hướng vận động của quan hệ lao động trên địa bàn, để từ đó có các giải pháp kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp CĐ phải kịp thời tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền, chuyên môn dành nguồn kinh phí thỏa đáng hỗ trợ, tặng quà đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai; tăng cường xã hội hóa để bổ sung nguồn lực, cùng với nguồn lực của tổ chức CĐ, chăm lo chu đáo, kịp thời, đúng đối tượng đoàn viên, NLĐ. Đối với số đoàn viên, NLĐ di cư không có điều kiện về quê ăn Tết, các cấp CĐ lập danh sách, phối hợp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các hoạt động đón Tết, vui Xuân thật ý nghĩa và đầm ấm.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các cấp CĐ cần nắm chắc tình hình quan hệ lao động cụ thể ở từng doanh nghiệp (DN). Đối với những DN có dấu hiệu phát sinh xung đột, mâu thuẫn, có thể xảy ra tranh chấp lao động, CĐ phối hợp với các ngành chức năng và người sử dụng lao động xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, không để các cuộc ngừng việc xảy ra. Bên cạnh đó, cần rà soát, nắm danh sách các DN có nguy cơ phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, không bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho đoàn viên, NLĐ; phối hợp với chính quyền địa phương sớm có các giải pháp cụ thể bảo vệ quyền lợi của NLĐ, không để tình hình phức tạp xảy ra.
Bình luận (0)