Trong ngày làm việc thứ hai vào sáng 29-12, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) đã tập trung thảo luận, góp ý về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn (CĐ) cơ sở; hoạt động CĐ trong quá trình Việt Nam hội nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); nghị quyết về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ).
Bữa ăn giữa ca rất quan trọng
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định bữa ăn giữa ca tại doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của NLĐ cũng như năng suất lao động. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều DN cung cấp bữa ăn giữa ca cho NLĐ chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng, nghèo giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là tại các KCN tập trung. Có DN vì lợi nhuận nên đã “giao khoán” chất lượng bữa ăn của NLĐ cho các nhà thầu và cơ sở chế biến suất ăn bên ngoài, xem nhẹ sức khỏe, tính mạng NLĐ. Từ thực tế ấy, người lãnh đạo cao nhất của tổ chức CĐ Việt Nam cho rằng phải xác định bữa ăn giữa ca của NLĐ là nội dung quan trọng cùng với vấn đề tiền lương, thưởng, an toàn vệ sinh lao động để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. “Việc ban hành nghị quyết về bữa ăn giữa ca là tối cần thiết” - ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Lê Trọng Sang - Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết dự thảo nghị quyết quy định từ năm 2016, các CĐ cơ sở trong khu vực DN, khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất là 0,6% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Chẳng hạn, DN ở vùng IV sẽ lấy mức lương tối thiểu 2.400.000 x 0,6% = 14.400 đồng/suất ăn giữa ca; DN ở vùng I sẽ lấy 3.500.000 đồng x 0,6% = 21.000 đồng/suất ăn giữa ca. “Đây chỉ là mức sàn tối thiểu để thực hiện, còn thực tế nhiều DN đã chi cho suất ăn giữa ca lên đến 50.000-70.000 đồng, như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam” - ông Sang dẫn chứng. Ngoài ra, CĐ hoặc CĐ cấp trên thực hiện việc khởi kiện đối với DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với tập thể NLĐ để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Chủ trương ấy lập tức nhận được sự đồng thuận cao của đa số đại biểu. Nhiều ý kiến còn đề nghị cần đưa nội dung bữa ăn giữa ca vào thương lượng thỏa ước lao động tập thể. Ông Đỗ Đình Hiền, Chủ tịch CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam, cho rằng việc có nghị quyết về bữa ăn giữa ca là phù hợp nhưng thực hiện không phải dễ vì chất lượng bữa ăn này phụ thuộc vào khả năng của từng DN. Dẫn ví dụ tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, ông Hiền cho biết bữa ăn giữa ca ở đơn vị này có nhiều mức khác nhau, cao nhất là 65.000 đồng/bữa và thấp nhất là 21.000 đồng/bữa. Theo ông Hiền, trong bữa ăn giữa ca, vai trò giám sát của CĐ cơ sở là rất lớn, nếu làm không đến nơi đến chốn sẽ mất đi tác dụng. “Tập đoàn có khoảng 70.000 thợ mỏ, lượng thức ăn rất lớn nhưng 10 năm nay chưa xảy ra vụ ngộ độc nào. CĐ phải tham gia ngay từ đầu cùng chính quyền để ký kết với các đơn vị cung cấp suất ăn, thực phẩm có uy tín, chất lượng bảo đảm. Nội dung ký kết giữa CĐ và chính quyền phải rõ ràng thì thực hiện mới hiệu quả” - ông Hiền nói.
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ
Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2018, cả nước có 10 triệu đoàn viên. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, nhiều đơn vị chưa hoàn thành được 50% chỉ tiêu nhiệm kỳ, cá biệt một số đơn vị có số lượng đoàn viên giảm và có khả năng không hoàn thành chỉ tiêu. Vì vậy, trong năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định lấy chủ đề năm 2016 là “Năm phát triển đoàn viên” với mục tiêu là đến hết năm 2016, cả nước phải tăng thêm ít nhất 600.000 đoàn viên CĐ. Trong đó, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở ở những DN chưa có tổ chức CĐ; tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân lao động ở những nơi đã thành lập CĐ.
Từ thực tiễn công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐ cơ sở, bà Đinh Thanh Hà, Chủ tịch CĐ các KCN Đà Nẵng, góp ý: “Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ CĐ để nâng cao kỹ năng vận động, thuyết phục NLĐ, nhất là những người chưa có khái niệm về CĐ”.
Tập trung đào tạo cán bộ
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch CĐ Công ty Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương), cho rằng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CĐ tại cơ sở. “Am hiểu luật và có kỹ năng thuyết phục, họ dễ được NLĐ tin tưởng, ủng hộ và từ đó làm tốt vai trò đại diện” - ông Hoàng nói.
Bình luận (0)