Sáng 28-12, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, tại kỳ họp này, các đại biểu đã nghe báo cáo chuyên đề về những nội dung chủ yếu của vấn đề lao động liên quan đến tổ chức Công đoàn (CĐ) khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhiều thách thức
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các tiêu chuẩn về lao động được đề cập trong TPP chính là các tiêu chuẩn được nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế, bao gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc, cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
“Những cam kết về lao động trong TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong đó có việc cho phép người lao động (NLĐ) làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước. Song, để được hoạt động, tổ chức này phải đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” - ông Chính nhấn mạnh.
Theo ông Chính, nếu CĐ hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn cho NLĐ, nói lên được bức xúc của NLĐ thì các tổ chức khác sẽ gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngược lại, nếu CĐ hoạt động hời hợt, không hiệu quả thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ tự liên kết để bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Phải thật sự vì NLĐ
Từ những thách thức đó, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng CĐ phải xác định lại và xác định rõ nội dung trọng tâm theo thứ tự ưu tiên trong hoạt động CĐ. Theo đó, cần tập trung thực hiện những nội dung thuộc các vấn đề về quan hệ lao động, giảm bớt các nhiệm vụ ít hoặc không liên quan.
Phương thức chỉ đạo của CĐ cấp trên với cơ sở cũng phải thay đổi theo hướng từ chỉ đạo hành chính sang trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để cơ sở chủ động thực hiện nhiệm vụ; cùng cơ sở giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc. Phải đổi mới quy trình, cách thức tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở. Đối với công tác cán bộ, CĐ đề nghị cấp ủy địa phương phải để cho tổ chức CĐ tuyển chọn và sử dụng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động CĐ, là thủ lĩnh thực sự của phong trào công nhân ở cơ sở; có uy tín, có phẩm chất tốt và có tố chất làm thủ lĩnh CĐ.
Tập trung phát triển đoàn viên
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết trước những thách thức đó, tổ chức CĐ Việt Nam đã lấy năm 2016 là năm phát triển đoàn viên, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của CĐ cơ sở.
“Những thách thức mà tổ chức CĐ phải đối mặt là điều sẽ xảy ra. Vì vậy, tất cả cán bộ CĐ cả nước cần hiểu rằng CĐ phải hoạt động thật sự vì NLĐ; tập trung bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ” - ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)