Vừa làm tóc, Phạm Thị Ngọc Huyền vừa trò chuyện, tư vấn cách làm đẹp cho khách. Ít ai biết được cô chủ salon Huyền (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) trước đây rất nghèo, làm đủ việc như bưng bê quán cà phê, giúp việc gia đình. Huyền là một trong những học viên vươn lên thành công của chương trình đào tạo nghề “L’Oréal - Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp”.
Vươn lên từ khốn khó
Sinh ra trong gia đình 6 anh chị em tại Gò Công, Tiền Giang, tuổi thơ của Huyền là những ngày cơ cực khi luôn phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. “Nỗi ám ảnh nhất của tôi là những ngày mưa bão, lòng luôn canh cánh nỗi lo sập nhà, không tiền mua thức ăn. Tôi thường ra đồng hái rau dền, rau muống mọc hoang về nấu canh” - Huyền kể.
Rồi bao lần, căn nhà nhỏ của cô bị sập xuống lại được dựng lên, chơi vơi giữa đồng vắng. Học hết lớp 9, dù rất ham học và học giỏi nhưng Huyền phải bỏ, theo chị lên
TP HCM kiếm việc làm. Hết bưng bê quán cà phê đến giúp việc gia đình, tiếp thị, phụ việc ở tiệm làm tóc..., Huyền chắt chiu từng đồng gửi về nhà cho ba mẹ. Hằng ngày, 4 giờ cô đã dậy để đi bộ từ Thủ Đức ra Bến xe Miền Đông làm phục vụ ở căng-tin, buổi tối về phụ việc ở tiệm tóc. Rồi một ngày, Huyền đọc báo thấy L’Oréal tuyển học viên đào tạo nghề miễn phí, cô đăng ký học.
Sáu tháng vừa học vừa đi phụ việc để kiếm tiền ăn cơm, đi xe buýt, đến năm 2012, Huyền hoàn thành khóa học. Sau khi làm việc ở vài tiệm tóc, năm 2014, cô quyết định mở một cửa tiệm cho riêng mình. Đó là quãng thời gian cực kỳ khó khăn khi suốt mấy tháng ròng không có khách vì tiệm quá mới, cô lại quá trẻ nên bị khách nghi ngờ về tay nghề. Dần dần, bằng sự nhiệt tình, chu đáo, tiệm làm tóc của Huyền đã có khách và thu nhập ổn định. Huyền khoe vừa xây xong căn nhà cho ba mẹ ở quê. “Tuy chỉ là nhà cấp 4 nhưng cả nhà tôi đều vui vì hết lo mưa bão” - Huyền nói trong niềm vui.
Làm chủ bản thân
Có được việc làm không chỉ giúp những phụ nữ khó khăn có thu nhập mà còn giúp họ làm chủ bản thân. Chị Đặng Mỹ Linh ở Đắk Lắk là một điển hình.
Cha mẹ Linh làm việc quần quật mà vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2014, cha Linh bị một tảng xi-măng rơi xuống lưng khi đi làm phụ hồ, dập tủy và trở nên tàn phế. Mẹ Linh trở thành lao động chính trong nhà. Chẳng bao lâu sau, vì không đủ sức chống chọi với cuộc đời quá cơ cực, mẹ Linh cũng ra đi mãi mãi. Mẹ mất, cha bị tàn phế, Linh phải dừng việc học, từ bỏ mọi ước mơ, làm mọi việc để kiếm cái ăn cho cha và em.
“Biết được dự án của L’Oréal, tôi đã xin học. Ngày lên đường, trong túi tôi chỉ có 200.000 đồng nhưng đó là cả một gia tài mà cả nhà tôi gom góp được. Mọi người đã hỗ trợ tôi bằng tất cả tấm lòng của họ, đã giúp tôi vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể trụ lại được để rồi 6 tháng sau tôi trở thành một người thợ tóc” - Linh tâm sự. Hiện nay, Linh đang là thợ làm tóc tại Japan First Tokyo Salon (quận 1, TP HCM) có thu nhập ổn định, giúp đỡ được cha và em.
Chương trình đào tạo nghề tóc của L’Oréal ở Việt Nam với mục đích hỗ trợ nâng quyền cho phụ nữ thông qua sự việc thay đổi và độc lập về kinh tế, từ đó thay đổi vị trí xã hội cho phụ nữ. “Mỗi phụ nữ thành công từ dự án đã trở thành một hình mẫu, truyền cảm hứng và động lực cho những người phụ nữ đang ở trong những hoàn cảnh cơ cực có thể vượt qua mọi rào cản và vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ nghề làm đẹp” - bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, giám đốc dự án, chia sẻ.
Dạy nghề cho hơn 1.000 phụ nữ khó khăn
Bắt đầu từ năm 2009, dự án “L’Oréal - Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” đã đào tạo nghề cho hơn 1.000 phụ nữ khó khăn ở hơn 20 địa phương trên cả nước. Đây là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, quấy rối tình dục và buôn bán phụ nữ, các bà mẹ đơn thân hoặc các phụ nữ có cuộc sống nghèo khó. Dự án đã giúp họ tìm được cơ hội để thay đổi cuộc đời và hòa nhập với cuộc sống.
Bình luận (0)