Chiều 24-9, trong khuôn khổ Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ đã dành 3 giờ để trao đổi, đối thoại với các đại biểu dự đại hội về chủ đề "CĐ Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước".
Trân trọng trí tuệ, nhiệt huyết của cán bộ CĐ
Mở đầu buổi thảo luận, Thủ tướng bày tỏ rất tâm đắc khi biết đại biểu dự đại hội đều nhận tài liệu, văn bản của đại hội qua máy tính bảng, trong bối cảnh đất nước đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị đại hội chu đáo, nhiều đổi mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá CĐ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp CĐ đã có nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động với các nội dung thiết thực, hiệu quả, khẳng định sự đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: "Với tinh thần cầu thị của Chính phủ và sự trân trọng tình cảm, trí tuệ, nhiệt huyết của đại biểu ưu tú thuộc tổ chức CĐ Việt Nam, tôi cùng 2 Phó Thủ tướng và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng có mặt tại đây, sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà các đồng chí nêu ra". Thủ tướng cũng cho biết mục tiêu của buổi thảo luận là để thống nhất nhận thức, khẳng định quyết tâm, sớm biến thành hành động cụ thể, tạo bước chuyển mới và mạnh mẽ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.
Sau 3 giờ cùng nghe và thảo luận với đại biểu dự đại hội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, công lao đóng góp to lớn, của tổ chức CĐ và công nhân (CN) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng lưu ý dù vui mừng với những thành tựu lớn nhưng vẫn còn những băn khoăn, lo lắng, trăn trở trước những thách thức đang đặt ra. Đó là vấn đề tụt hậu, dễ bị tụt hậu, đặc biệt là tụt hậu về kinh tế, khoa học công nghệ; rồi đạo đức xã hội, mỗi người chúng ta phải trăn trở bởi đây là vấn đề lớn, cả đất nước phải quan tâm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cán bộ nhìn chung là tốt nhưng một bộ phận không nhỏ còn quan liêu, xa dân, tham nhũng. Vì vậy, chúng ta phải làm sao giáo dục, giám sát, để cán bộ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp tốt nhất. "Cán bộ là nói chung, trong đó có cả cán bộ CĐ, bởi không phải tất cả các đồng chí đều sát với cơ sở, sát với người lao động (NLĐ) đâu" - Thủ tướng thẳng thắn.
Về những câu hỏi đặt ra tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là "những vấn đề lớn của đất nước cũng như của đại hội". Ông chia sẻ: "Chính vì vậy, tôi mong muốn CNVC-LĐ cả nước, cùng chung tay góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững". Song song đó, Thủ tướng đề nghị mỗi đoàn viên, NLĐ phải đổi mới tư duy, nhận thức được tinh thần phụng sự, cống hiến; về khát vọng vươn lên; về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực; về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong quá trình lao động. CNVC-LĐ cần nâng cao năng suất lao động; tuân thủ ý thức tổ chức kỷ luật lao động, thượng tôn pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hoàn thiện chính sách nhà ở, tiền lương
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ là việc giải quyết nhà ở cho NLĐ. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch CĐ KCN tỉnh Đồng Nai (Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Nai), đặt vấn đề: "Tôi rất vui vì nhiều năm qua, Chính phủ đã có sự quan tâm giải quyết nhà ở cho CN. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về nhà ở của CN vẫn còn rất lớn. Trong thời gian tới, để giải tỏa nỗi lo về nhà ở của NLĐ, Chính phủ có những giải pháp nào?".
Đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cần nhiều nguồn để có nhà ở cho CN, trong đó Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện thiết chế CĐ để giải quyết một phần về nhu cầu nhà ở. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ vừa trình Thường vụ Quốc hội, theo đó sẽ dành một khoản để giải quyết nhà ở cho CN.
Trong khi đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong đề án của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở của CN) là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 50.000 ngôi nhà CN. Nhưng đến nay đề án mới đạt hơn 10%… Ông Lợi kiến nghị: "Cuộc sống ổn định là một trong những điều kiện để NLĐ tập trung cho công việc, nâng cao năng suất lao động. Tôi cho rằng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có gói vay hỗ trợ 30.000 tỉ đồng như trước đây, để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho CN".
Tiền lương của NLĐ cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm. Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế, nêu thực tế việc chia sẻ lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động chưa hài hòa. Bà Hương góp ý: "Khi tăng năng suất lao động, phần lợi cho doanh nghiệp vẫn nhiều hơn NLĐ. Mặt khác, thù lao trả cho NLĐ ở nhiều doanh nghiệp vẫn còn thấp hơn mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Chính phủ nên tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề này?".
Về chính sách cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu (LTT). "Để điều tiết tiền LTT, sắp tới đây, ngoài tiền LTT theo tháng, Chính phủ sẽ xây dựng thêm tiền LTT theo giờ và điều này hoàn toàn phù hợp với quan hệ lao động trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Theo lộ trình này, đến năm 2020, chúng ta cố gắng đưa tiền LTT đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ".
Xử lý nghiêm thông tin sai lệch trên không gian mạng
Trong khuôn khổ buổi đối thoại, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Quân Ca (công nhân Công ty TNHH Nissin Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc) về việc có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật tràn lan trên mạng xã hội như trong thời gian vừa qua để CN yên tâm làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mạng xã hội là chủ đề nóng, hiện có nhiều thông tin giả, thông tin sai lệch do nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh.
"Đã đến lúc cần phải xử lý những thông tin sai phạm trên không gian mạng. Trước mắt, cần hoàn thiện khung pháp lý để chúng ta có thể giải quyết những tồn tại. Không gian gian mạng như một môi trường, nếu thông tin tốt nhiều thì thông tin xấu sẽ nhỏ đi" - ông Hùng nói. Về phía CĐ, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị mỗi KCN cũng cần có 1 Fanpage để đưa thông tin chính thức của CĐ. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng LĐLĐ Việt Nam đang làm việc để xây dựng các Fanpage trên mạng xã hội ở từng KCN. Nếu đưa những thông tin chính thống lên mạng xã hội nhiều hơn thì thông tin mạng xã hội sẽ lành mạnh hơn.
Hôm nay, 25-9, đại hội sẽ bước vào ngày làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng: Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI; tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, CNVC-LĐ và tổ chức CĐ với Đảng và nhà nước; thảo luận về nhân sự và bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII.
Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai:
Cầu nối giữa DN và người lao động
Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1,2 triệu lao động, số lượng đoàn viên Công đoàn (CĐ) gần 700.000 người. Có thể nói, đoàn viên và người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng vào Đại hội XII CĐ Việt Nam lần này bởi họ luôn ý thức được rằng chỉ có tổ chức CĐ Việt Nam mới có thể đáp ứng kỳ vọng của họ, nhất là khía cạnh đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) cũng kỳ vọng vào CĐ là cầu nối để DN và NLĐ hiểu nhau hơn.
Mang theo những kỳ vọng ấy đến với Đại hội XII CĐ Việt Nam, tôi sẽ góp ý, thảo luận đóng góp cho các nội dung của văn kiện đại hội, ưu tiên là các nội dung liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ; thiết lập cầu nối giữa DN và NLĐ. Trong 5 năm tới, khi bối cảnh hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng, theo tôi, yêu cầu đầu tiên và tiên quyết là tổ chức CĐ phải thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập trung bồi dưỡng kỹ năng thương thảo, hòa giải tranh chấp cho đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, đặc biệt là CĐ cơ sở. Bên cạnh đó là phải luôn tập trung nâng cao chất lượng hoạt động CĐ, bởi khi chất lượng hoạt động tốt sẽ kéo theo những hiệu quả hoạt động tương hỗ khác mang tính hoàn thiện hơn và DN cũng tin cậy CĐ hơn.
Ông LƯU KIM HỒNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam:
Nâng cao năng lực thương lượng cho đội ngũ cán bộ
Được tham dự Đại hội XII CĐ Việt Nam với tôi là vinh dự lớn. Dự đại hội lần này, tôi muốn truyền tải hết tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và công nhân (CN) nơi mình làm việc với diễn đàn đại hội. Trong đó, nỗi lo lớn nhất vẫn là vấn đề tiền lương. Theo tôi được biết, từ năm 2021, nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Điều này đồng nghĩa chính sách tiền lương tại DN được xây dựng trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động, NLĐ hoặc đại diện tập thể lao động (tổ chức CĐ cơ sở). Trong khi đó, ở vị trí là người làm công ăn lương như hiện hay, NLĐ gần như không có khả năng về thương lượng trong khi năng lực thương lượng của CĐ cơ sở còn nhiều hạn chế. Thực tế này dẫn đến kết quả thương lượng khó đi vào thực chất, thậm chí chỉ có lợi cho người sử dụng lao động.
Theo tôi, để bảo đảm quyền lợi cho CN, nhà nước vẫn áp dụng các chính sách quản lý chung về tiền lương. Mặt khác, tổ chức CĐ cần tập trung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ CĐ cơ sở về kỹ năng thương lượng để họ đủ bản lĩnh, đủ tiếng nói để đàm phán với DN.
Ông HÀ PHƯỚC ĐỨC, Chủ tịch CĐ Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Viễn Thông A:
Ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, dù chưa thực sự tác động đến tất cả lĩnh vực nhưng đó là xu thế tất yếu và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của NLĐ. Vấn đề đặt ra là CĐ có trách nhiệm như thế nào trong việc giúp CN hiểu đúng về 4.0 để hội nhập, giữ được việc làm?
Thực tế là số đông CN rất mơ hồ về cách mạng công nghiệp 4.0, thậm chí không quan tâm đến những ảnh hưởng của việc thay đổi công nghệ đối với đời sống, việc làm của mình. Một khi robot thay thế lao động giản đơn thì chắc chắn cơ hội việc làm của NLĐ cũng bị thu hẹp và điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, giúp CN ý thức được vấn đề này là trách nhiệm của tổ chức CĐ. Theo tôi, trước hết đội ngũ cán bộ CĐ phải hiểu biết đầy đủ về cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực mình làm việc và tuyên truyền, giải thích cho CN hiểu để từ đó có ý thức học tập nâng cao trình độ, xem đó là cách căn cơ để giữ được việc làm. Mặt khác, khi DN đầu tư thiết bị công nghệ mới thì CĐ cơ sở cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động có chính sách hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho CN. Làm tốt được điều này đồng nghĩa với việc CN sẽ tự tin hội nhập, ổn định được việc làm, thu nhập về lâu dài.
X.Hoàng - T.Nga ghi
Bình luận (0)