Tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ban hành ngày 7-9, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về việc miễn xử phạt hành chính theo Nghị định (NĐ) 95/CP đối với lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1-9 đến 31-12-2015.
Miễn phạt 80-100 triệu đồng
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng việc Thủ tướng chấp thuận đề xuất miễn xử phạt lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc là biện pháp cần thiết nhằm khuyến khích người lao động tự nguyện về nước, góp phần kéo giảm tỉ lệ bỏ trốn để có cơ sở đàm phán ký kết lại thỏa thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc.
Theo ông Quỳnh, trong 3 năm qua, Bộ LĐ-TB-XH triển khai hàng loạt biện pháp, chính sách như ký quỹ trước khi đi (100 triệu đồng), tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập... để khuyến khích lao động bỏ trốn hồi hương. Việc Chính phủ ban hành NĐ 95/CP với mức xử phạt cao, từ 80-100 triệu đồng, cũng được kỳ vọng là biện pháp chế tài hiệu quả. Nhờ vậy, tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 55,76% năm 2012 còn 43,55% năm 2014 và hiện dưới 40%. Tuy nhiên, so với 14 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc, tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn xếp cao nhất.
Chưa kể từ tháng 5-2015, trong chiến dịch truy bắt lao động bất hợp pháp nước ngoài diễn ra trên cả nước, Hàn Quốc thực hiện chính sách ân xá không phạt tiền, tạm giam đối với những người tự nguyện hồi hương. Nhưng kết quả lao động bất hợp pháp của Việt Nam đăng ký tự nguyện về nước vẫn thấp nhất trong các nước phái cử. “Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc còn cao là vì họ e ngại khi về nước sẽ bị xử phạt theo NĐ 95/CP. Với chính sách gia hạn xử phạt của Chính phủ, hy vọng tới đây sẽ có nhiều người về nước” - ông Quỳnh bày tỏ.
Càng ân xá, càng bỏ trốn
Đây không phải lần đầu lao động bỏ trốn ở nước ngoài được hưởng “chính sách khoan hồng”. Vấn đề đặt ra là liệu chính sách này có hạn chế được vi phạm?
NĐ 95/CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2013 sau 1 năm Việt Nam bị Hàn Quốc dừng tuyển mới lao động theo chương trình cấp phép lao động EPS (tháng 9-2012) vì tỉ lệ bỏ trốn quá cao, trên 50%. Để khuyến khích lao động bỏ trốn về nước, ngay tại điều khoản chuyển tiếp, NĐ 95/CP gia hạn thời hạn xử phạt thêm 3 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, vẫn có rất ít người tự nguyện về nước. Lấy lý do không đủ thời gian để làm thủ tục hồi hương, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản đề xuất và được Thủ tướng cho phép tiếp tục lùi thời gian áp dụng xử phạt thêm 2 tháng, đến ngày 10-3-2014.
Đáng nói là từ đó đến nay, trong khi những người tự nguyện về nước không là bao thì số bỏ trốn mới tiếp tục gia tăng. Hiện vẫn còn trên 50.000 lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài. Trong số này, nhiều nhất là Đài Loan (trên 20.000 người), kế đến là Hàn Quốc (gần 15.000 người). Đáng chú ý, từ mức giảm còn 33% vào đầu năm 2015, tỉ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc đã tăng trở lại, hiện gần 40%. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng không phải người lao động không chịu về nước do sợ bị xử phạt mà cái chính là vì lý do kinh tế. Thu nhập cao gấp nhiều lần trong nước nên họ bất chấp vi phạm pháp luật để ở lại làm việc.
2 năm, xử phạt được 1 người!
Sau hơn 2 năm triển khai, NĐ 95/CP gần như không thu được kết quả nào. Đến tháng 5-2015, trong số 900 lao động bị lập biên bản xử phạt, chỉ có 1 lao động ở Bắc Giang bị xử phạt với số tiền chỉ bằng 50% mức phạt theo quy định từ việc cưỡng chế 40 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm. Một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết lao động bị xử phạt từ đó đến nay vẫn dừng lại ở con số 1 nói trên.
Bình luận (0)