Nhìn phiếu lương của các công nhân (CN) Công ty TNHH May mặc A (Bình Dương), nhiều người không khỏi giật mình khi giờ tăng ca lên đến 163 giờ. Trong đó, số giờ tăng ca từ 16g30 đến 22g là 127,5 tiếng, tăng ca sau 22g là 19,5 tiếng, tăng ca ngày chủ nhật là 16 tiếng. Chủ nhân của phiếu lương là một nữ CN vừa hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, chị trở lại làm việc khi công ty bước vào giai đoạn cao điểm làm hàng dịp Tết.
Làm ngày làm đêm, làm thêm giờ nghỉ
Chị bộc bạch: "Nghỉ thai sản 6 tháng, chỉ được nhận trợ cấp thai sản, trong khi đó có quá nhiều khoản phải lo. Chồng cũng làm CN, lương không bao nhiêu, trong khi đó chi phí sinh hoạt khi có con nhỏ tăng lên gần như gấp đôi. Cho nên khi đi làm lại, tôi phải gắng sức mình tăng ca, hơn nữa Tết lại sắp đến. Không có tiền thì làm việc gì cũng khó".
Con gái mới 6 tháng tuổi, đáng lẽ chị được về sớm hơn 1 giờ so với thời gian làm việc, thế nhưng chị đồng ý tăng ca. Chị chia sẻ: "Thực ra nếu mình không tăng ca cũng không được khi mà cả chuyền đều làm. Ai cũng muốn có thêm tiền tiêu Tết nên mình không thể đi ngược với cả chuyền". Vì nuôi con nhỏ và chưa cai sữa cho con nên những ngày sau khi đi làm lại là một cực hình đối với chị: "Con còn quá nhỏ, gửi trẻ mình không an tâm lắm nhưng cũng phải chịu thôi. Dù tối hôm đó vắt sữa trữ sẵn nhưng cả ngày ở xưởng, ngực căng tức sữa rất khó chịu. Nhiều lúc phải vắt bỏ đi. Nghĩ mà thương con"
Không chỉ cùng đồng nghiệp tăng ca ở nhà xưởng, chị Trang còn nhận hàng về nhà làm thêm. "Công ty tính tiền lương dựa trên năng suất nên mình phải cố gắng làm càng nhiều hàng càng tốt. Sáng vào xưởng thật sớm. Bình thường 7g30, công ty mới làm việc nhưng tháng cuối năm, chúng tôi tranh thủ 6g30 đã vào công ty, tức ai nhà xa phải dậy từ 5g sáng. Ăn vội vàng miếng cơm nguội hay ổ bánh mì rồi vào làm tới 12g. 22g ra ca, các chị em còn nhận hàng về nhà may tới 2g sáng. Nhiều lúc mệt đến nỗi ngủ gục trên bàn may nhưng nghĩ đến cuối tháng có thêm được ít tiền lương, lại cố gắng" – Chị Trang chia sẻ.
Chị em công nhân nhận túi xách về nhà may để tăng thêm thu nhập - Ảnh: L.T
Nếu công ty không có hàng để tăng ca hoặc một số doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về thời gian tăng, các CN không tăng ca nhiều tại nhà máy của mình sẽ tìm các công việc làm thêm, nhận may túi xách, ba-lô tại nhà. Chị Trinh (ở trọ tại ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) vốn có mối quen chuyên bán ba-lô, túi xách vào mùa Tết. Từ tháng 10 trở đi, chị lại nhận hàng về may thêm vào ban đêm. Chị Trinh chia sẻ: "Công ty tuân thủ thời gian tăng ca theo quy định của pháp luật nên mỗi ngày nhiều lắm tăng ca được hơn 1 tiếng. Về sớm, cơm nước xong cũng rảnh nên tôi sắm cái máy may, nhận hàng về may thêm. May ăn sản phẩm, nhiều thì được nhiều tiền nên cũng cố gắng. Dù có mệt đôi chút nhưng nghĩ đến việc có thêm thu nhập nên vui".
Chịu thiệt chút cũng chẳng sao
Cứ 3 ngày chị Trinh lại đi trả hàng một lần, mỗi lần như thế chị nhận được từ 200-300 ngàn đồng tiền công. Chị Trinh so sánh: "Nếu công ty tăng ca thì mình cũng được hơn từng đó nhưng máy móc, điện là của công ty, nếu làm trễ hơn công ty còn hỗ trợ tiền cơm. Còn mình may ở nhà thì những chi phí đó mình phải chịu, cho nên làm thêm ở nhà mình có thiệt đôi chút. Thế nhưng được cái mình chủ động. Vừa may vừa kèm cho con học. Có chồng con nói chuyện, phụ giúp cắt chỉ, đấm lưng cũng vui".
Nhận được 300.000 đồng tiền công may túi, chị Trinh đi thẳng ra phiên chợ đêm dành cho CN mua một cái ấm, một đôi giày mới cho con trai. Lần lựa mãi ở quầy áo quần dành cho chị em, chị đứng dậy, tự nhủ: "Thôi để đợt sau". Chị giải thích: "Năm nay gia đình mình lên kế hoạch về quê ở Hà Tĩnh. Dự là Tết này sẽ lạnh nên mình mua áo ấm và giày cho con trai. Kỳ lương sau mình sẽ mua cho mẹ cái chăn mới. Hai vợ chồng mình vẫn còn áo quần của những năm trước. Hơn nữa, vợ chồng mình sinh ra và lớn lên ở quê nên cái lạnh đối với vợ chồng mình cũng không ghê gớm lắm, chỉ là lo cho con". "Tiền lương sản phẩm tháng 12-2017 của tôi đến hơn 9 triệu đồng, cộng với lương cơ bản, tăng ca và thưởng Tết cũng được hơn 15 triệu đồng. Cố gắng làm, công ty trả lương tháng 1.2018 nữa là Tết coi như cũng ổn" – Chị Trinh chia sẻ. Với số triền trên, chị Trang lên kế hoạch sơ lược cho cái Tết sắp đến: Hai vợ chồng được hơn 30 triệu. Vé xe đi lại hai vòng trước và sau Tết của cả nhà ba người về Quảng Nam hết khoảng 5 triệu đồng.
Mua áo quần mới cho con và quà cho bố mẹ hết 5 triệu đồng. Tiền tiêu tết, mua sắm Tết khi về quê gói ghém trong 10 triệu thì hai vợ chồng vẫn còn 10 triệu đồng dằn túi. Với chị Trang, chỉ cần sau Tết còn dư được ít tiền thì coi như Tết đó đã may mắn: "Nếu không tăng ca thì làm gì có tiền có dư, mà không chừng còn chi tiêu eo hẹp, lắm khi còn hoãn kế hoạch về quê".
Không có tích lũy vì lương thấp "Cuối năm, đa phần CN mong muốn được tăng ca, tăng càng nhiều càng tốt dù có tháng, thời gian tăng ca lên đến 200 giờ, bằng số giờ tăng ca mà pháp luật cho phép trong cả năm. Tăng ca nhiều có thể mang đến một phần thu nhập cho CN nhưng gây ảnh hưởng sức khỏe rất nhiều. Chưa kể, tăng ca với thời gian như vậy là DN vi phạm pháp luật lao động. Thế nhưng bất chấp những nguy cơ kể trên, CN và DN đều tăng ca. DN kịp đơn hàng, CN có thêm tiền lương. Thực trạng trên làm rõ nét hơn về những bất cập trong tiền lương hiện nay khi mà tiền lương cơ bản, thu nhập hàng tháng của CN trực tiếp sản xuất ở các ngành nghề như may mặc, giày da, thủy sản, dệt, nhuộm… quá thấp, không có tích lũy, cho nên cuối năm, khi DN có đơn hàng Tết, họ dốc sức tăng ca để có tiền tiêu Tết"- Ông Trần Văn Triều – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ TP HCM). |
Bình luận (0)