“Để xảy ra ngừng việc trước tiên là do ban giám đốc không giải quyết vụ việc một cách thấu đáo, gây bức xúc cho anh em công nhân (CN). Thay mặt công ty, tôi xin lỗi toàn thể anh em CN và mong mọi người trở lại làm việc bình thường”. Ông Cao Quang Tâm, giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu tại TP HCM, bày tỏ với tập thể lao động tại buổi đối thoại định kỳ mới đây.
Sửa sai trước khi quá muộn
Tranh chấp tại công ty khởi phát từ việc một quản lý cấp cao tuyên bố cắt các khoản thưởng chuyên cần, năng suất của 300 CN ở chuyền hai do làm hư sản phẩm. Ức chế vì bị “quơ đũa cả nắm”, nhất là thu nhập giảm sút, khoảng 100 CN đã lãn công khiến sản xuất bị gián đoạn 2 ngày.
Trong một doanh nghiệp có quan hệ lao động ổn định, người lao động luôn an tâm gắn bó
Khi CN bỏ việc phản ứng, lãnh đạo công ty vào cuộc và phát hiện vị quản lý cấp cao nói trên đã lạm quyền, xử lý vụ việc hết sức cảm tính, gây ức chế cho CN. Thực tế, do áp lực về sản lượng, một bộ phận CN đã làm ẩu dẫn đến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, bị khách hàng phàn nàn. Thay vì chỉ ra lỗi của từng cá nhân, vị quản lý này quyết định cắt hết các khoản thưởng. Qua hệ thống camera quan sát và báo cáo của các chuyền trưởng, ban giám đốc đã xác định lỗi của nhóm CN có hành vi gian dối và gửi lời xin lỗi nhóm CN bị hàm oan.
Để lấy lại uy tín, công ty cũng buộc vị quản lý nói trên gặp gỡ, xin lỗi CN. Cách giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý của ban giám đốc đã giúp công ty nhanh chóng ổn định sản xuất. “Vụ ngừng việc là một bài học kinh nghiệm cho công tác điều hành, quản lý. Lãnh đạo DN không có thiện chí sửa sai thì quan hệ lao động khó hàn gắn” - ông Tâm đúc kết.
Cách đây không lâu, bất đồng trong công tác điều hành, quản lý giữa các thành viên trong HĐQT Công ty TNHH Thuận Thiên (gia công hàng may mặc; thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không chỉ gây xáo trộn quan hệ lao động mà còn gây thiệt thòi quyền lợi gần 200 CN. Khi sản xuất liên tiếp gặp khó khăn, đã có 3/4 thành viên HĐQT đề nghị cắt các khoản phụ cấp để giảm chi phí, trong khi thành viên còn lại (tổng giám đốc) không đồng ý bởi điều này sẽ tạo cú sốc cho CN.
Nắm được thông tin, Công đoàn (CĐ) cơ sở đề xuất tổ chức một buổi đối thoại giữa HĐQT và tập thể CN để tìm hướng giải quyết. Với lập luận sắc bén của CĐ cơ sở, 3 thành viên HĐQT đã rút lại ý định. “Nếu CĐ cơ sở không đứng ra tổ chức đối thoại, ban giám đốc sẽ không nắm được nguyện vọng của anh em CN. Thực tế, việc tùy tiện đưa ra quyết định trái luật, gây ảnh hưởng đến đời sống CN sẽ khiến DN trả giá. Thẳng thắn với nhau, các bên sẽ sớm hóa giải bức xúc” - ông Đào Bá Bình, tổng giám đốc công ty, nhìn nhận.
Không nên hứa suông
Nhiều DN sau khi xảy ra tranh chấp đã rút ra được kinh nghiệm quý trong việc hàn gắn quan hệ lao động, bắt đầu từ việc xây dựng quan hệ hợp tác với CĐ cơ sở và biết lắng nghe CN. Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, sau tranh chấp, điều CN mong muốn nhất là DN phải có thiện chí hàn gắn rạn nứt bằng hành động cụ thể thay vì hứa suông.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ DN tại TP HCM cũng có chung suy nghĩ này. Tại Công ty TNHH Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM), sau những bất ổn không đáng có do cách điều hành quản lý, ban giám đốc quyết tâm cải thiện tình hình. Đặt niềm tin vào CĐ cơ sở, ban giám đốc đã tìm được sự đồng thuận cao khi phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm và thu nhập của CN. Nhờ sự trọng thị của ban giám đốc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của CN không ngừng được cải thiện. Theo ông Võ Văn Hùng, chủ tịch CĐ công ty, gắn kết trách nhiệm với CĐ trong việc hóa giải bức xúc của CN, ban giám đốc đã chứng tỏ thiện chí xây dựng quan hệ lao động ổn định lâu dài.
Ở một số DN, điển hình như Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP HCM), với chủ trương không để mâu thuẫn phát sinh, lãnh đạo DN sẵn sàng đối thoại với tập thể CN ngay khi có yêu cầu. Với sự hỗ trợ tích cực từ CĐ cơ sở, mọi bức xúc của CN đều được lãnh đạo quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Nhờ đó, quan hệ lao động đã đi vào quỹ đạo ổn định.
Mở lòng, thiện chí với CN khi đối thoại chính là nhân tố bình ổn quan hệ lao động tại DN của chúng tôi” - ông Sy Sam Cau, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Giày da Huê Phong, chia sẻ.
Bình luận (0)