Báo cáo mới nhất về tình hình quan hệ lao động tại TP HCM từ đầu năm 2016 đến nay cho biết nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 50 vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) không chấp hành đúng, đầy đủ chính sách pháp luật lao động đối với người lao động (NLĐ), chủ yếu là tiền lương. Nhiều doanh nghiệp (DN) để tái diễn tranh chấp do thiếu thiện chí trong thương lượng, gây ức chế cho NLĐ.
Triệt tiêu quyền đàm phán
Theo dõi nhiều vụ tranh chấp, ông Nguyễn Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, thẳng thắn chỉ ra yếu kém trong điều hành, quản lý của các DN, đặc biệt là chính sách lương, thưởng manh mún là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp “Khi xây dựng và triển khai chính sách tiền lương, nhiều DN đã không tham khảo ý kiến của ban chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở, điều này không chỉ gây thiệt thòi cho NLĐ mà còn nuôi dưỡng mầm móng tranh chấp” - ông Hổ khẳng định.
Tác phong sinh hoạt gần gũi giúp cán bộ Công đoàn Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động
Diễn biến tranh chấp tại nhiều DN cho thấy nhận định của ông Hổ là có cơ sở. Sau 2 lần xảy ra tranh chấp, giám đốc nhân sự một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại huyện Củ Chi,
TP HCM, thừa nhận: “Chính sách tiền lương chưa rõ ràng cùng tâm lý e ngại đối thoại là nguyên nhân đẩy quan hệ lao động tại nhiều DN rơi vào bất ổn”. Ở lần ngừng việc thứ nhất, khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng, công ty chỉ tăng thêm 350.000 đồng song khoản này chỉ được đưa vào phụ cấp, thay vì đưa vào lương cơ bản và điều này khiến CN thiệt thòi quyền lợi, nhất là quyền lợi BHXH. Chưa hết, các quy định về nâng lương định kỳ hằng năm, chi trả phụ cấp độc hại cũng chưa được công ty tuân thủ... càng khiến CN thêm bức xúc. Những tưởng sau tranh chấp, lãnh đạo công ty sẽ nghiêm túc chấn chỉnh sai sót nhưng ở lần ngừng việc thứ hai xảy ra sau đó 6 tháng, những sai phạm nói trên tiếp tục lặp lại. “Chưa tham khảo ý kiến CĐ và tùy tiện trong chính sách trả lương, rõ ràng DN đã tự triệt tiêu quyền thương lượng và đây chính là mầm mống gây bất ổn” - một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành huyện Củ Chi, bày tỏ.
Tương tự tại Công ty S.P.V (quận Bình Tân, TP HCM), thái độ phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến DN thường xuyên xảy ra tranh chấp. Thực tế, chính sách trả lương, trả thưởng bất cập do DN tùy tiện áp đặt đã không nhận được sự đồng thuận từ phía tập thể lao động. Lấy ý kiến CN hoặc tham khảo ý kiến CĐ cơ sở trước khi áp dụng là những nguyên tắc cơ bản nhất nhưng DN vẫn không thực hiện. Đến khi xảy ra tranh chấp thì lại thiếu tinh thần cầu thị trong thương lượng, do vậy, tranh chấp xảy ra là tất yếu.
Đưa thương lượng vào khuôn khổ
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong xu thế hội nhập, việc tuân thủ đầy đủ các chế định luật pháp, trong đó có thương lượng, là trách nhiệm của NSDLĐ. “Nếu tranh chấp xảy ra do lỗi của NSDLĐ thì DN phải có tinh thần cầu thị và biết sửa sai. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi CN phải được giải quyết thông qua thương lượng, có như vậy mới ổn định quan hệ lao động lâu dài” - ông Quảng lưu ý.
Đưa công tác thương lượng vào khuôn khổ nhằm ổn định quan hệ lao động lâu dài là mục tiêu nhiều DN hướng đến. Ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Everwin (100% vốn nước ngoài; KCN Bình Chiểu; quận Thủ Đức, TP HCM), chia sẻ: “Trước khi triển khai chính sách lương, thưởng mới đến CN, ưu tiên hàng đầu của ban giám đốc là tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở. Chỉ khi tập hợp đầy đủ ý kiến CN thì DN và CĐ cơ sở mới ngồi lại thương lượng và chỉ áp dụng nếu hai bên đạt được sự đồng thuận”. Với quy trình làm việc bài bản trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau ấy giữa DN và CĐ, đời sống vật chất lẫn tinh thần của 400 CN tại công ty không ngừng được cải thiện.
Tại các đơn vị như DNTN Tân Hùng Ngọc (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Shing Việt (quận Thủ Đức), Công ty TNHH Xây dựng Môi trường Xanh (quận Bình Tân) hay Công ty TNHH Lê Thanh Landcapse (quận 7), trong quá trình thương lượng, đàm phán thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ, chủ DN và CĐ cơ sở tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: Thực hiện đúng pháp luật và ổn định đời sống người lao động. Cách tiếp cận ấy giúp 2 phía sớm đạt được sự đồng thuận cao trong quá trình thương lượng, nhờ vậy không chỉ quyền lợi được bảo đảm mà các chế độ phúc lợi, đãi ngộ CN cũng từng bước được cải thiện. “Trước khi đàm phán hoặc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, ngoài việc rà soát chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ hiện có, CĐ cơ sở chủ động khảo sát đời sống tập thể lao động để từ đó đề xuất DN có chính sách chăm lo phù hợp. Có một cái nhìn đa chiều về đời sống người lao động, chắc chắn DN sẽ quan tâm, chăm sóc họ nhiều hơn” - bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Shing Việt, chia sẻ.
Ông NGUYỄN VĂN KHẢI, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Nên lắng nghe ý kiến đa chiều
Việc thương lượng, giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ đòi hỏi thiện chí từ phía NSDLĐ. Lắng nghe ý kiến đa chiều và chủ động hợp tác với CĐ giải tỏa từng gút mắc không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ tranh chấp mà còn sớm ổn định tâm lý NLĐ. Việc thương lượng chỉ có hiệu quả khi NSDLĐ và tổ chức CĐ (đại diện tập thể lao động) cùng hướng đến mục tiêu ổn định quan hệ lao động.
Bình luận (0)