Những ngày qua, một số tỉnh, thành phía Nam tái diễn tình trạng chủ doanh nghiệp (DN) "bỏ trốn", đẩy hàng loạt công nhân (CN) lâm cảnh điêu đứng. Một trong những dấu hiệu rất dễ nhận biết, đó là trước khi các chủ DN "cao chạy xa bay", họ thường chây ỳ nợ BHXH kéo dài.
Lời ăn, lỗ chạy
Công ty TNHH XNK May Thái Bình Dương là DN có vốn đầu tư trong nước (địa chỉ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM), hoạt động từ năm 2008 với ngành nghề may ba lô, túi xách xuất khẩu. Dịp lễ 2-9 vừa qua, Công ty bỗng bất ngờ "hào phóng" cho toàn bộ công nhân nghỉ "thả ga" đến 5/9 mới phải đi làm. Đến khi trở lại làm việc, các công nhân giật mình phát hiện nhiều máy móc, thiết bị đã bị tẩu tán gần hết, ai nấy đổ xô đi khắp nơi truy tìm Giám đốc để đòi lương nhưng không thể liên lạc được. Đến lúc này, các công nhân mới biết, Công ty đang nợ lương của 161 NLĐ với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng; nợ BHXH số tiền hơn 2,7 tỉ đồng từ tháng 4-2017 đến nay.
Cũng trên địa bàn huyện Hóc Môn, vào giữa tháng 8-2018, một chủ DN khác là ông Lee Jeong Min- Giám đốc Công ty TNHH Tasko Vina (100% vốn Hàn Quốc) cũng đã "cao chạy xa bay" về nước khi đang nợ lương của 176 công nhân với số tiền 1,7 tỉ đồng và nợ BHXH hơn 2 tỉ đồng. Trước khi ông chủ bỏ trốn, công nhân đều biết DN đang nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài vì họ không có thẻ BHYT để KCB, không được hưởng chế độ thai sản. Nhưng đáng tiếc thay, các "dấu hiệu" trên lại không được các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn từ sớm.
Tại TP HCM, trường hợp 51 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Loran Knit Embroidery Label cũng rất đáng lo. Sau 2 vụ chủ DN bỏ trốn gần đây, các công nhân Công ty Loran đang rất lo lắng, mong chờ cơ quan chức năng có giải pháp xử lý, bởi Công ty đang chây ỳ nợ gần 500 triệu đồng BHXH, BHYT. Thẻ BHYT không có đã 2 năm nay, các quyền lợi về thai sản, ốm đau bị vị phạm. Trong khi đó, mấy tháng qua, công nhân cũng không thấy ông chủ người Hàn Quốc xuất hiện…
Có thể ngăn chặn từ đầu
Khi chủ DN bỏ trốn, hậu quả đầu tiên dễ nhận thấy nhất đó là việc để lại các khoản nợ lương, BHXH, BHYT của NLĐ. Tại hầu hết DN có chủ bỏ trốn, CN đều biết rõ việc bị chủ DN nợ BHXH, BHYT nhưng hầu như đều không phản ứng vì họ cần việc làm hơn, hoặc có phản ứng cũng chỉ lẻ tẻ một vài người.
Theo Luật sư Trần Mạnh (TP.HCM), đây là một trong những điểm mấu chốt khiến CN mất quyền lợi. Bởi, hơn ai hết, chính CN phải tự ý thức, tìm hiểu để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định. Hiện nay, theo quy định pháp luật các DN phải công khai khoản đóng BHXH, BHYT cho NLĐ được biết theo định kỳ. Ngoài ra, NLĐ cũng có thẩm quyền tự tra cứu thông tin tại trang web của cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố. Chính vì vậy, NLĐ có thể tự mình thông qua tổ chức Công đoàn, khiếu nại đến các cơ quan chức năng việc DN đang xâm phạm quyền lợi BHXH, BHYT của mình. Nếu NLĐ thực hiện quyết liệt thẩm quyền này, chắc chắn chủ DN phải cân nhắc các hoạt động và khoản nợ BHXH, BHYT; đồng thời sẽ hạn chế tình trạng chủ DN "bỏ trốn".
Cũng theo Luật sư Mạnh, hầu như mới chỉ thấy cơ quan BHXH vào cuộc xử lý tình trạng nợ BHXH, BHYT, từ khâu nhắc nợ, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra… Trong khi đó, về mặt quản lý lao động, chúng ta còn có hệ thống cơ quan quản lý lao động tại tất cả các địa phương; ngoài ra còn có tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, chính quyền… Với khoản nợ đọng, chây ỳ BHXH, BHYT "rõ như ban ngày" xảy ra tại nhiều DN, nếu tất cả cùng có ý thức chung tay vào cuộc một cách quyết liệt thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng chủ DN "bỏ trốn", tránh để lại hậu quả về tiền lương, BHXH, BHYT mà NLĐ phải gánh chịu.
Bình luận (0)