Dù không nhận được đồng thuận của Ủy ban Tài chính của Quốc Hội, ngày 12-9, Chính phủ vẫn trình phương án nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ vào buổi chiều, Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp tục giữ quan điểm cho rằng đề xuất khởi điểm chịu thuế của Chính phủ là quá cao, không phù hợp với quan điểm động viên, điều tiết thu nhập của các cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi 7-9 triệu liệu có là quá cao? Theo ông, trước tiên cần phải so sánh với con số 1.050.000 đồng- mức lương tối thiểu. Bởi đây chính là mức thu nhập để đảm bảo có điều kiện sống. "Mức chúng tôi đưa ra đã trên 6 lần", ông nhấn mạnh.
Đơn cử, lương của một kỹ sư mới ra trường, cán bộ bậc đại học của Văn phòng Quốc hội nếu nhân hệ số 2,34 với mức lương tối thiểu thì mỗi tháng cũng chỉ có 2,7-2,8 triệu đồng mỗi tháng. Thêm 2% phụ cấp, thì con số này vẫn thấp so với mức Chính phủ đưa ra 3,6 triệu. "Chúng tôi đồng tình nâng mức khởi điểm chịu thuế nhưng nâng lên như Chính phủ thì sợ nhanh quá. Chúng ta sẽ phải bỏ ra 10.000 tỷ để thực hiện chính sách, trong khi còn bao nhiêu vấn đề xã hội phải giải quyết", ông nói.
Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng, hiện có 51 triệu người có thu nhập nhưng có 12 triệu người phải kê khai và con số đến ngưỡng phải nộp thuế chỉ có 3,8 triệu. "Vậy 3,8/51 triệu người tương đương khoảng gần 10%, có nghĩa những người này ở nhóm cao, còn tất nhiên, nếu so với Trung Quốc, Mỹ thì chúng ta không so được", ông Hiển thẳng thắn.
Mặc dù đồng tình với lập luận của Ủy ban Tài chính ngân sách rằng mỗi công dân phải có trách nhiệm nộp thuế nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần tính toán mức 7, 9 triệu đồng đã đủ sống chưa. "Trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra 9 triệu là chưa cao, chỉ đủ sống thôi. Bởi vậy nên bỏ một vài bậc giữa đi", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chính sách thuế cần bảo đảm công bằng xã hội, không để người lao động
Càng về giữa phiên, tranh luận về mức khởi điểm chịu thuế càng thêm nẩy lửa. Tạm thời chưa bình luận về mức thu nhập 7 hay 9 triệu đồng là cao, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội - cho rằng phải thẳng thắn thừa nhận Việt Nam chưa thể công bố được mức sống tối thiểu. Bà đưa ra những dẫn chứng kể từ khi áp dụng Luật thuế TNCN từ năm 2009. "Từ năm 2009, chúng ta liên tục gặp khó khăn, năm nay mới bắt đầu lạm phát một con số. Như vậy, kinh tế gặp khó khăn, CPI tăng cao thì thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút, lương hoàn toàn giảm sút theo thực tế. Lương có tăng lên thì không đủ sức bù đắp lạm phát", bà Trương Thị Mai phân tích.
Bà Mai cho rằng, đến năm 2015 chúng ta mới tuyên bố được tiền lương tối thiểu có chấp nhận cuộc sống tối thiểu hay không. "Trong điều kiện này thì căn cứ để quy định mức thuế TNCN này sẽ như thế nào. Đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách cùng tính toán lại", bà Mai nói.
Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhìn nhận, số chịu thuế chiếm 10% người có thu nhập và "không thể gọi như thế là ít". Bởi các con số ở đây khi đánh giá cần dựa trên nền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phát triển chưa bền vững và mới thoát khỏi các nước có thu nhập thấp do đó, nhu cầu tối thiểu của người dân càng ngày càng tăng. Theo ông Hằng, không nên cứng nhắc chỉ cho phép 2 người phụ thuộc như đề xuất của Ủy ban Tài chính ngân sách vì khi nuôi dưỡng ai thì cũng phải giảm trừ cho người đấy. Phó chủ tịch Kim Ngân cũng đặt vấn đề này để tránh chuyện "nuôi bố mẹ thì thôi nuôi con, nuôi con thì thôi nuôi bố mẹ".
Theo tờ trình Chính phủ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ sửa đổi 3 nội dung chính là mức giảm trừ gia cảnh; phạm vi, đối tượng chịu thuế và kỳ tính thuế, quyết toán thuế
Với nội dung thứ nhất, Chính phủ vẫn đề xuất sửa đổi theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng mỗi tháng hiện nay lên 9 và và 3,6 triệu đồng. Bộ Tài chính cho biết mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009. So với các nước trong khu vực 1, mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam tuy có tỷ lệ cao hơn (bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011) nhưng do thu nhập bình quân đầu ở Việt Nam còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh về số tuyệt đối còn thấp.
Từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Vì vậy, Chính phủ đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014 và để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Cùng với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định “mở” quyền chủ động điều chỉnh nếu giá cả thị trường biến động trên 20%. Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này cũng tương đương khoảng 2,5 lần GDP dự tính tại thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
Bộ dự kiến với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc và dự kiến Luật có hiệu lực từ 01/7/2013 thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.
Bình luận (0)