Ngày 21-6, Quốc hội (QH) đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thông qua một số luật, nghị quyết và tiến hành phiên bế mạc kỳ họp.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân năm 2012 quy định sẽ giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 đối với DN nhỏ và vừa. Trong đó, không bao gồm DN nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; DN được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty; DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử...
Theo nghị quyết này, sẽ miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập DN năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá như cuối năm 2011.
Mặc dù Chính phủ không đề xuất nhưng do có nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị, QH cũng đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-7 đến hết 31-12 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua (21-6).
Ước tính, nếu miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và kinh doanh đến mức phải chịu thuế này ở bậc 1 trong 6 tháng cuối năm này thì ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.900 - 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc miễn thuế sẽ tạo động lực kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần tăng thu từ các khoản thuế khác và từ sản xuất, kinh doanh...
Sẽ có quy chế bỏ phiếu tín nhiệm
Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH được thông qua đã thể hiện nhiều điểm đổi mới như các hoạt động lập pháp, giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng; tổ chức kỳ họp QH; tiếp xúc cử tri của…
Đặc biệt, mặc dù ban đầu có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng QH đã đồng thuận cao với việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Giao Ủy ban Thường vụ QH xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012).
Đặc biệt ưu đãi khu vực biên giới, hải đảo
Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định tiếp tục các mục tiêu ưu tiên đầu tư như: phải rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế thu nhập DN đối với các DN, các HTX nông nghiệp có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo,…); khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp… Chính phủ cần nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững. Có chính sách đặc biệt ưu đãi đối với khu vực biên giới, hải đảo để người dân yên tâm sinh sống, giữ gìn đất đai vùng biên cương của Tổ quốc.
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Cùng ngày, theo TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tuyên bố: Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam, không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở biển Đông” - ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh. T.Bình |
Bình luận (0)