Đây cũng là thảm cảnh của hàng trăm lao động đến từ nhiều tỉnh, thành là nạn nhân của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) làm ăn chụp giật xảy ra gần đây tại TP HCM. Cơ hội xuất ngoại đâu chưa thấy, chỉ thấy phía trước họ là viễn cảnh đen tối, khốn đốn vì bị lừa đảo.
Xuất ngoại “ảo”
“Đã 8 tháng qua, phía công ty chẳng đả động gì đến việc trả lại tiền. Gia đình tôi vay mượn nhiều nơi, họ nhận tiền rồi không đưa đi, cũng không trả lại. Tôi lo vụ việc bị chìm xuồng quá!” - chị Lê Thị R. (quê Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong số 156 lao động bị Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (tại TP HCM) thuộc Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom Human (trụ sở Hà Nội) lừa sang Nhật, đã cầu cứu đến chúng tôi như thế.
Những lao động trên được “cò” dắt mối, đưa vào Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản của Vietcom Human để ký hợp đồng sang Nhật làm nông nghiệp, may mặc và xây dựng. Họ được hứa hẹn mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Nghe viễn cảnh tươi sáng, mỗi người đóng 2.800 USD (chưa kể tiền “cò”) nhưng gần cả năm trời, chẳng một ai được đưa sang Nhật. Tổng số tiền cọc của 156 lao động đã đóng qua trung tâm trên và nhiều “đại lý cò” của Vietcom Human là hơn 10 tỉ đồng.
Trong vụ lừa này, nhiều người khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh khốn đốn như chị R. Chị Nguyễn Thị K. (quê Bến Tre) đóng khoảng 50 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng đặt cọc, 12 triệu đồng tiền học tiếng Nhật và 15 triệu đồng tiền “cò”. “Tôi đang học ngành kế toán tại quận 9 thì được một người tên Vân hứa giới thiệu sang Nhật làm công nhân may, lương cao. Cả tin, tôi nhờ cha mẹ vay 15 triệu đồng để lót tay cho bà Vân và sau khi vụ việc vỡ lở, công ty không trả lại tiền đặt cọc, còn bà Vân cũng… lặn luôn” - chị K. thuật lại. Đến nay, khoản nợ mà gia đình chị K. vay mượn vẫn chưa trả xong. Do mất cả năm trời đi… “tàu bay giấy”, việc học hành, làm việc của chị cũng bị đảo lộn hoàn toàn.
Được biết, sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước đã vào cuộc. Ngày 2-11-2015, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietcom Human 212,5 triệu đồng; đồng thời yêu cầu DN này có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động (NLĐ) các khoản đã thu trái quy định, kể cả số tiền mà NLĐ nộp cho các tổ chức, cá nhân hợp tác với Vietcom Human. Ông Lương Công Quảng, Giám đốc Trung tâm và ông Lê Văn Quyền, Tổng Giám đốc Vietcom Human , quả quyết sẽ hoàn trả đầy đủ tiền cho NLĐ nhưng như đã nói, họ vẫn cứ cù nhầy.
Cả đời mang nợ
Anh Nguyễn H., một trong số hàng chục nạn nhân bị một thợ may lừa đảo lấy đi số tiền gần 100 triệu đồng từ… 17 năm trước, đến nay vẫn không… ngóc đầu lên được.
Liên quan đến vụ này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định phục hồi điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Xuân Diện (SN 1964; thợ may; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Anh H. là một trong những nạn nhân của Diện. Đối tượng này cũng là bị can thuộc vụ án “Phùng Hữu Sơn và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Hà Nội và TP HCM vào cuối năm 2000. Vụ án này xét xử đối với 2 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Xuân Diện bị khởi tố nhưng bỏ trốn. Sau 14 năm, cuối tháng 5-2015, Diện bị bắt tại TP HCM. “Giờ suy nghĩ lại mới biết lúc đó sao mình nhẹ dạ đến vậy. Hơn chục năm nay, tôi làm được đồng nào cũng tích cóp để trả nợ bởi sự nông nổi của mình” - anh H. bộc bạch.
Cũng mới đây, một lao động trong số cả trăm nạn nhân trong vụ lừa của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Việt Nhật Vinh Ron (quận Tân Bình, TP HCM) liên lạc với chúng tôi, nhờ hỗ trợ việc làm vì đã hết đường sang Nhật sau khi vét sạch tiền đóng cho công ty này. Dù không có chức năng XKLĐ nhưng Công ty Vinh Ron vẫn ngang nhiên thu của mỗi lao động từ 1.500-3.500 USD, với lời hứa đưa sang Nhật làm việc.
Hiện cả nước có trên 250 DN được cấp giấy phép XKLĐ. Do liên kết với trung gian không có chức năng, tuyển dụng, thu tiền trái quy định, từ năm 2014 đến nay, có gần 100 DN bị xử phạt vi phạm. Sai phạm của DN có giấy phép diễn ra thường xuyên trong lúc bủa vây khắp các địa phương là các cá nhân, tổ chức ngoài luồng lợi dụng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của NLĐ để lừa đảo.
Lừa đảo XKLĐ gia tăng một phần do ở kênh chính thức, các DN có giấy phép chưa thực sự tạo được niềm tin cho NLĐ, bắt tay và tạo “đất sống” cho cò”. Nhưng nói như ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, chính sự thiếu hiểu biết, chủ quan, thậm chí biết rủi ro nhưng bất chấp đã khiến nhiều người bị lừa dễ dàng để rồi cả đời mang nợ.
Mạo danh bộ trưởng để lừa đảo
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hầu hết các vụ lừa đảo XKLĐ tập trung vào 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Mới đây, cơ quan này khuyến cáo lừa đảo lao động sang Hàn Quốc có chiều hướng gia tăng. Theo đó, thời gian gần đây, một số đối tượng “cò mồi”, môi giới lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của NLĐ để lừa đảo, thu tiền bất chính. Các đối tượng này thường đưa ra những thông tin không chính xác, hứa hẹn có thể giúp đỡ NLĐ sang làm việc tại Hàn Quốc qua những kênh khác nhau. Thậm chí, có đối tượng đã giả mạo hợp đồng, con dấu và chữ ký của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lừa đảo số tiền lớn.
Kỳ tới: Đi “chui”, bỏ mạng xứ người
Bình luận (0)