Hai gia đình công nhân (CN) được nhận hỗ trợ từ chương trình "Xuân yêu thương - Tết nhân ái" ở ngoại thành Hà Nội đều mắc phải những tai ương, nghịch cảnh trong cuộc sống. Một gia đình thì chồng bị tai nạn lao động (TNLĐ) rồi qua đời, để lại 2 con thơ dại; một gia đình thì chồng bị TNLĐ, gãy đốt sống cổ, nằm liệt giường suốt một năm qua, người vợ cũng là CN đang phải tần tảo để nuôi 2 con - một học đại học, một học lớp 8. Bao gánh nặng, lo toan đều đặt lên vai 2 người vợ - 2 nữ CN, chịu thương chịu khó.
Thêm niềm tin, động lực
Chị Hoàng Thị Dung (30 tuổi) là vợ của anh Hoàng Xuân Thắng, hiện đang sinh sống ở ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp, ở thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Cả vợ chồng chị Dung - anh Thắng đều là CN của Công ty TNHH Tenma, trụ sở tại huyện Đông Anh.
Dù chuyện buồn đã xảy ra cách đây hơn một năm nhưng chị vẫn chẳng thể nào quên được giây phút bàng hoàng đó. Vào khoảng 22 giờ 50 phút ngày 17-12-2017, trong quá trình vận hành máy ép nhựa, anh Thắng không may bị TNLĐ và tử vong. "Nhận được tin báo từ các đồng nghiệp của chồng, tôi như rụng rời tay chân, tim như ngừng đập" - chị Dung tâm sự. Anh Thắng mất đi để lại người vợ hiền tần tảo đi làm CN để nuôi 2 người con (cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ gần 2 tuổi) và bố mẹ già. Sau cú sốc ấy, lãnh đạo doanh nghiệp và các cấp Công đoàn TP Hà Nội thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nên chị cũng nguôi ngoai phần nào.
Anh Nguyễn Văn Vượng đang nằm điều trị bệnh dài ngày ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội với sự giúp đỡ, chăm sóc của bố, mẹ vợ
Chồng mất, chị trở thành lao động chính để tạo nguồn thu nhập trong nhà, gánh nặng cơm áo gạo tiền vì thế nhân lên gấp bội lần. Thế nhưng, chị vẫn cố gắng hết mình để lo cho 2 con được ăn học, đặc biệt là phụng dưỡng bố mẹ. Với chị, gia đình lúc này chính là niềm vui, là động lực để vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng hiện tạm đủ để trang trải cho ba mẹ con chị. "Dù vậy, tôi vẫn sẽ cố gắng để làm việc và chăm lo cho các cháu ăn học thành người" - chị Dung chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Dung, vợ của anh Hoàng Xuân Thắng, nguyên công nhân Công ty TNHH Tenma, kể về quãng thời gian khó khăn sau khi chồng mất
Khi hay tin được chương trình "Xuân yêu thương - Tết nhân ái" của Báo Người Lao Động hỗ trợ, chị Dung xúc động: "Nay mai các cháu lớn lên và đi học, chắc chắn cuộc sống gia đình sẽ khó khăn và vất vả hơn. Tôi chỉ mong khỏe mạnh để thay chồng nuôi con. Phần quà nghĩa tình của chương trình giúp tôi có thêm động lực sống, làm việc và nuôi dạy con cái thành người" - chị Dung nói.
Mơ một ngày có thể tiếp tục làm việc
Còn anh Nguyễn Văn Vượng (SN 1977) quê ở thôn Tiên Kha, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, nguyên là CN đổ bê-tông của Công ty TNHH Bê-tông đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương. Trong một ca làm việc đêm 26-10-2017, khi ấy anh Thắng bị TNLĐ rơi từ tầng 3 một công trình xuống đất, dẫn đến chấn thương nặng 3 đốt sống cổ.
Sau khi bị tai nạn, anh Vượng đã được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Việt - Đức. Tiếp đó, anh được chuyển về bệnh viện tại huyện Đông Anh để tiếp tục điều trị khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, quá trình phục hồi tiến triển rất chậm. Gia đình lại tiếp tục đưa anh Vượng đi điều trị ở nhiều nơi, từ Bắc Ninh, Tuyên Quang và hiện giờ anh đang phải điều trị dài ngày tại một thầy thuốc đông y ở thị trấn Đông Anh.
Anh Nguyễn Văn Vượng đang nằm điều trị bệnh dài ngày ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội với sự giúp đỡ, chăm sóc của bố, mẹ vợ
Từ ngày xảy ra TNLĐ đến nay đã hơn một năm, đi điều trị rất nhiều nơi, cả đông - tây y kết hợp nhưng sức khỏe anh Vượng vẫn rất yếu và hiện tại chưa thể ngồi dậy, chưa cử động được tay chân. "Đến giờ này, ngoài chế độ BHYT, gia đình phải chi thêm hơn 300 triệu đồng để chạy chữa cho tôi nhưng sức khỏe không tiến triển mấy" - anh Vượng buồn rầu.
Anh Vượng cho biết ngày trước khi anh còn khỏe, đi làm tại công ty, thu nhập bình quân mỗi tháng được khoảng 9 triệu đồng, cùng với vợ anh cũng đi làm CN thì cuộc sống của gia đình cũng không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng kể từ ngày anh bị tai nạn, tất cả mọi chi phí để nuôi con gái đầu sinh năm 1999 đang học Đại học Thương mại, con trai thứ hai sinh năm 2005 đang học lớp 8, đều dồn hết lên vai người vợ của anh. "Vợ tôi thu nhập chỉ 7 triệu đồng/tháng mà phải nuôi tôi ốm đau nằm một chỗ cả năm trời, rồi nuôi 2 con ăn học. Đời sống gia đình rất khó khăn. Con cái cũng phải nhờ bà nội chăm nom, còn tôi nằm đây thì ông bà ngoại các cháu thay nhau chăm sóc" - anh Vượng cho biết.
Rơm rớm nước mắt, anh Vượng nói chỉ mong sức khỏe nhanh hồi phục, có thể ngồi dậy đi lại được, rồi dần dần có thể đi làm, phụ vợ nuôi con.
Ông BÙI THANH LIÊM, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Mong chờ cộng đồng chung tay
TNLĐ trở thành nỗi đau dai dẳng của nhiều gia đình. Hệ lụy của nó không chỉ là nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha mà còn là gánh nặng mưu sinh khi chẳng may trụ cột gia đình mất đi hoặc bị thương tật nặng.
Triển khai chương trình "Xuân yêu thương - Tết nhân ái", mong muốn của Ban Biên tập Báo Người Lao Động là san sẻ khó khăn với đối tượng là CN bị TNLĐ, thiết thực hưởng ứng năm "Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Báo Người Lao Động rất mong nhận được sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân để tiếp sức cho chương trình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-1
Kỳ tới: Sống vui, sống có ích
Bình luận (0)