Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tổng số nợ BHXH đang gia tăng, diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố. Thống kê cho thấy, tổng số nợ phải tính lãi đã lên tới 6.654 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân, BHXH Việt Nam cho biết, chủ yếu là do tình hình sản xuất của các đơn vị đang gặp khó khăn; một số nơi ý thức chấp hành các quy định đóng BHXH, BHYT, BHTN còn chưa tốt; số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao; tình trạng đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động (NLĐ) sử dụng vào mục đích khác vẫn xảy ra.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, nợ BHXH, BHYT, BHTN không phải là một con số mà gắn với nó là quyền lợi của NLĐ. Việc DN nợ vào những tháng đầu năm rồi đóng vào những tháng cuối năm khiến quyền lợi của nhiều NLĐ không được bảo đảm thường xuyên, liên tục.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động
Để hạn chế gia tăng nợ với quyết tâm nợ thấp hơn năm 2018, ngoài các giải pháp thông thường, từ đầu năm BHXH Việt Nam đã triển khai một số giải pháp. Trong đó, có yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc DN, lập biên bản nếu nộp muộn, qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt. Đề xuất thanh tra còn được thực hiện tự động qua phần mềm dữ liệu toàn quốc. Phần mềm này sẽ cảnh báo các DN nợ quá 3 tháng và đề xuất lập đoàn thanh tra. BHXH Việt Nam cũng tiếp tục công khai danh tính các DN nợ đọng kéo dài trên các phương tiện truyền thông.
Quý I/2019, BHXH 23 tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ 162 DN nợ đọng sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có vụ nào được đưa ra xét xử. Con số trên gấp hơn 4 lần năm 2018 (chỉ có 38 hồ sơ).
Bình luận (0)