Theo đó, ưu tiên hàng đầu của BHXH các tỉnh, thành phố là tăng cường thanh tra đột xuất tất cả đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo. BHXH Việt Nam lưu ý các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (công an, tòa án, VKSND, Công đoàn...) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị cơ quan công an điều tra khởi tố theo quy định của Bộ Luật Hình sự hoặc hướng dẫn NLĐ tố giác hành vi vi phạm với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.
Trích nộp đủ BHXH, BHYT cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động Ảnh: THU HƯƠNG
BHXH Việt Nam cũng cho biết tới đây, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, tổng hợp, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT. Đồng thời tiếp nhận, thu thập thông tin phản ánh, dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin từ quản lý nhà nước theo lĩnh vực; thông tin từ kết quả hoạt động của các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý, truy tố, xét xử. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình chung về thi hành chính sách pháp luật BHXH, BHYT cho NLĐ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền.
Bình luận (0)