Đó cũng là cách để chủ nhà trọ thu hút công nhân (CN) đến thuê trọ nhiều hơn. Tuy nhiên phía sau internet xóm trọ còn là những câu chuyện với bao "nỗi niềm" của những người trong cuộc…
Để có thể sử dụng internet trong xóm trọ thì chủ nhà đứng ra đăng ký với nhà mạng; hoặc là công nhân cử đại diện đứng ra ký hợp đồng dịch vụ mạng. Sau đó, cước phí sẽ được bàn bạc để chia đều cho mọi người. Thông thường, tiền cước sẽ được tính theo hai cách: chia đều theo số lượng máy hoặc theo số phòng sử dụng.
Nỗi niềm... "chủ mạng"
Trước đây, nhiều CN cùng xóm trọ với anh Nguyễn Đình Du (công nhân Công ty Zamil Steel, KCN Amata) thường lên mạng giải trí bằng cách đăng ký dịch vụ 3G với cước phí 70.000 đồng/tháng. Nhiều người khác vì tiếc tiền nên chọn cách ra đầu xóm trọ "hóng" giờ bật tắt wifi của các hộ gia đình gần đó. "Đăng ký 3G thì tốn, đi "hóng" cũng cực mà đề nghị với bà chủ nhà không được nên cả xóm quyết định thống nhất tự liên hệ để ký hợp đồng dịch vụ với nhà mạng. Lúc ấy, vì là CN tạm trú nên nhà mạng yêu cầu phải đóng trước số tiền cước cho cả một năm đầu, mất hơn 3 triệu đồng. Anh em trong xóm chia đều để trả", anh Du nhớ lại.
Có mạng internet, CNLĐ chọn cách giải trí ngay tại xóm trọ
Với gói cước sử dụng 220.000 đồng/tháng, mỗi người dùng trong xóm trọ chỉ cần đóng 20.000 đồng/tháng là có thể xem phim, nghe nhạc, chơi game… nên những người trong xóm trọ lúc đó ai cũng hài lòng. Thế nhưng là người đứng ra ký hợp đồng và gắn bó lâu nhất với xóm trọ này, anh Du cho biết, việc đi thu khoản phí này cũng khiến anh khá mệt mỏi. Anh Du hài hước chia sẻ: "Gọi là "chủ mạng" của xóm cho oai, nhưng lắm lúc thấy mình chẳng khác nào người đi ăn xin". Cứ từ ngày 10 - 18 hằng tháng, nhân viên nhà mạng sẽ đến tận xóm tìm gặp anh để thu tiền. Cho nên anh đề nghị cả xóm đóng tiền mạng muộn nhất là vào ngày 10 hằng tháng. Tuy vậy, chỉ một vài người chủ động đóng tiền đúng hẹn. Còn lại, anh đều phải đến từng phòng để nhắc. "Có người không biết là cố tình hay vô ý nhưng hỏi năm lần bảy lượt khi thì trả lời là quên, khi nói không có tiền lẻ. Đi nhắc nhiều lần mình cũng ngại. Đa số mình toàn phải bỏ tiền túi ra đóng trước. Nhiều khi cũng thấy mệt mỏi.", anh Du than thở.
Vì điều kiện kinh tế hạn hẹp nên không thể đăng ký gói cước quá cao, trong khi nhu cầu sử dụng lớn, vì vậy tốc độ đường truyền ít nhiều bị ảnh hưởng. Thế nhưng, mỗi khi mạng có vấn đề là lập tức mọi người lại tìm anh cằn nhằn dù không biết nguyên nhân do đâu. Anh Du kể, Tết năm rồi sau khi từ quê vào, vừa đến đầu xóm thì đã bị phàn nàn "tại sao không thể vào mạng được?". Anh gọi điện lên tổng đài thì được biết mạng bị cắt trước đó ít ngày do đến hạn đóng tiền hằng tháng nhưng lúc đó anh đang ở quê nên chưa đóng được. Cất đồ vào phòng, anh chạy luôn xuống Trung tâm Viettel ứng tiền của mình đóng trước để có mạng cho mọi người dùng. Theo anh Du, những nỗi niềm ấy không chỉ của riêng anh mà hầu như "chủ mạng" CN nào cũng "dính".
Theo chia sẻ của nhiều CN, việc có mạng wifi ngay tại xóm trọ đã làm cho cuộc sống của họ thay đổi rất nhiều. "Có mạng muốn coi các chương trình giải trí, thư giãn gì cũng dễ dàng, tiện lợi mà chi phí vừa phải. Nhưng buồn là, nếu như trước đây, chưa có mạng mọi người trong xóm hay trò chuyện, sang phòng nhau chơi thì nay đa số mọi người toàn đóng cửa phòng, nằm lướt facebook, xem phim... trên mạng. Thậm chí có trường hợp ở cùng xóm cả tháng trời còn không nhớ nổi tên nhau, không biết làm công ty nào", một công nhân tên Nam, tạm trú tại phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa bộc bạch.
Chủ nhà trọ thu cước internet vô tội vã
Cùng với giá phòng, giá điện nước, vài năm trở lại đây, việc xóm trọ có mạng hay không đã trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu khi CN đi tìm phòng trọ. Vì thế, các phòng trọ được xây dựng từ lâu sẽ được chủ nhà trọ bổ sung thêm tiện ích này; các khu phòng trọ mới xây đều đầu tư lắp đặt mạng ngay sau khi xây dựng xong nhằm thu hút CN đến thuê. Tuy nhiên, không dừng ở đó, nhiều chủ nhà trọ cố ý thu thêm gấp nhiều lần so với cước phí hằng tháng để lấy lời.
Mới chuyển đến xóm trọ tại khu phố 5A, phường Long Bình, TP.Biên Hòa, chị Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên văn phòng một công ty tại KCN Amata tỏ ra khá bất ngờ với chi phí tiền mạng tại đây. Chị cho biết, tại xóm trọ chị ở trước đây, anh em trong xóm tự liên hệ lắp đặt mạng với gói 220.00 đồng/tháng. 10 phòng, mỗi phòng chỉ đóng 20.000 đồng/tháng mà chất lượng mạng vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, đến xóm trọ mới này, bà chủ yêu cầu mỗi phòng đóng tới 50.000/tháng, trong khi cả xóm có đến 20 phòng. Như vậy, bà chủ đã thu 1 triệu đồng tiền mạng/tháng ở xóm trọ. "Điều đáng nói là đồng tiền lại không đi liền với chất lượng mạng. Ban ngày thì dùng tạm ổn nhưng đến tối khi nhiều người sử dụng thì mạng hay bị "cà giựt", rất bực mình. Mình nghĩ là không có gói cước nào giá cao như vậy mà chất lượng mạng kém thế. Bà chủ nhà mỗi tháng chỉ đến thu tiền một lần đâu có hiểu nỗi niềm người ở trọ", chị Hạnh bức xúc chia sẻ.
Một xóm trọ có đông công nhân được lắp đặt mạng internet
Tại một khu nhà trọ có hơn 100 phòng tại xã Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu, công nhân Neang Mao cho biết, tiền mạng ở đây được đóng theo số máy sử dụng. Cứ một máy là 20.000 đồng, phòng có 2, 3 máy thì cứ thế nhân lên. "Tôi không biết ông chủ lắp bao nhiêu gói cước và mỗi gói bao nhiêu nhưng nhẩm tính thì tổng thu tiền mạng internet của CN xóm phải đến mấy triệu/tháng. Ít nhiều ông chủ đã tính dư", chị Neang Mao nói.
Ít nơi công nhân được dùng mạng miễn phí Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, các khu nhà trọ quanh các khu công nghiệp hầu hết đều đã lắp đặt mạng internet. Một số nơi chủ nhà trọ tạo điều kiện hỗ trợ tiền mạng cho CNLĐ, tuy nhiên con số này không nhiều. Đó thường là các xóm trọ có ít CNLĐ và CNLĐ dùng "ké" mạng với chủ nhà chứ không lắp đặt gói cước riêng. Ngược lại, nhiều chủ nhà trọ lại thu tiền chênh lệch quá nhiều so với chi phí thực tế như một hình thức kinh doanh. Điều này đã gây thiệt thòi cho CNLĐ. |
Bình luận (0)