Người đến thăm có cảm giác nơi đây như một ngôi làng thu nhỏ của công nhân (CN) người Khmer ngay gần khu công nghiệp (KCN). Khu trọ có đầy đủ: siêu thị mini, "nhà hàng" miễn phí để tổ chức đám cưới, sinh nhật; đội tự quản về an ninh trật tự, nơi thờ tự tín ngưỡng riêng…
Mái nhà chung của công nhân người Khmer
Ông Nhẹ kể, năm 2009, ông bắt đầu xây dựng khu nhà trọ cho thuê, lúc đó mới chỉ có 20 - 30 phòng, hầu hết là người dân tộc Khmer. Thời điểm ấy, ông đang làm Phó quản đốc tại Công ty Changsin với 17 năm kinh nghiệm và thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Lúc bấy giờ, nhu cầu thuê trọ của CN tăng cao. Nhiều người trong xóm trọ rủ thêm anh em họ hàng ở quê lên làm việc và muốn được ở chung tại xóm trọ của ông nhưng lại thiếu phòng và phải ở rất chật chội. Ông quyết định mở rộng khu trọ trên diện tích đất còn lại của mình.
Công nhân tại xóm trọ ông Nhẹ luôn an tâm gắn bó, đời sống ngày càng được cải thiện
Ngày khu nhà trọ được hoàn thiện, CN trong xóm rất vui mừng vì vừa được ở gần anh em, lại có phòng ở rộng rãi hơn. Nhiều người Khmer khác tiếp tục rủ thêm anh em ở quê lên ở để đi làm. Không lâu sau, toàn khu trọ của ông Nhẹ kín hết người ở. Ông Nhẹ quyết định xin nghỉ việc để về chuyên tâm quản lý, chăm lo cho khu nhà trọ. "Với tôi, kinh doanh nhà trọ không phải là việc mình chỉ xây dựng nhà trọ ra đó rồi đến tháng thu tiền, CN thích ăn ở sao thì mặc kệ mà phải dồn vào đó cả tấm lòng và tâm huyết. Phải làm sao để CN sống được thoải mái nhất, tiện lợi nhất, an toàn nhất và an tâm gắn bó với mình nhất. Vì thế mà tôi xin nghỉ việc ở công ty", ông bộc bạch.
Hiện xóm trọ của ông Nhẹ có 5 dãy, 140 phòng với hơn 300 người tạm trú. Trong đó, có đến 98% là người dân tộc Khmer, quê An Giang. Anh Châu Sâm Rol (26 tuổi) cho biết, rất nhiều người Khmer trong xóm mong muốn có một nơi để thờ phụng tín ngưỡng của mình. Vì vậy đã góp tiền xin phép ông chủ cho thuê một phòng để làm nơi thờ cúng riêng. Hằng ngày, vào mỗi buổi tối, mọi người tập trung lại căn phòng này để cùng nhau tụng kinh niệm Phật. "Làm việc này mỗi ngày khiến chúng tôi cảm thấy tâm hồn được thoải mái hơn, trút bớt đi những âu lo, muộn phiền của cuộc sống", anh Sâm Rol nói. Người Khmer có tục lệ không phơi chung dây quần áo; vì vậy, ở xóm trọ của ông Nhẹ, mỗi phòng có một dây phơi quần áo riêng biệt mà không phải là một dây phơi dài chạy từ đầu dãy đến cuối dãy như các xóm trọ khác. "Xóm này chủ yếu là người dân tộc mình, có chung thói quen văn hóa, sinh hoạt và được ông chủ thấu hiểu và tạo điều kiện nên ai cũng rất thoải mái và xác định ở đây lâu dài. Mình đã ở được 6 năm", anh Sâm Rol nói thêm.
Khu trọ của ông Nhẹ có hành lang rất rộng; ở cuối mỗi dãy lại có thêm nhiều khoảng không gian thông thoáng. Một vài người đã có ý tưởng nấu đồ ăn sáng ngay tại xóm trọ để bán cho CN. Họ đều là những người đã lớn tuổi, là mẹ, là vợ của những CNLĐ đang tạm trú trong xóm trọ. Các món điểm tâm luôn nóng hổi, giá rẻ nên được CN ủng hộ. Thấy vậy, ông Nhẹ cũng tạo điều kiện và luôn nhắc nhở mọi người việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh chung.
Nhiều tiện ích cho công nhân lao động
Trong khu nhà trọ, ông Nhẹ dành ra một khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát và được lợp tôn che chắn cẩn thận; được bố trí đầy đủ hệ thống quạt điện, bóng điện rồi lựa chọn vị trí đẹp nhất xây cao hơn làm "sân khấu"… Ông nói, khoảng không gian này tính ra có thể xây dựng được thêm hơn chục phòng cho thuê nữa nhưng ông không muốn vì có thêm chút tiền mà công nhân trong xóm không có nơi vui chơi, giải trí.
Ông Nhẹ gắn bảng nội quy và biển khu nhà trọ văn hóa để công nhân ý thức chấp hành
Với không gian thoáng mát và sức chứa khoảng 35 bàn tiệc, đây cũng là nơi tổ chức đám cưới, tiệc sinh nhật của CN, vừa đầm ấm lại tiết kiệm chi phí. Ông Nhẹ còn giúp CN liên hệ với một số cơ sở chuyên phục vụ bàn tiệc trên địa bàn với giá tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng. Nhóm CN trong xóm trọ thấy ông chuẩn bị sân khấu chu đáo nên đề nghị đầu tư thêm dàn loa đài chuyên dụng phục vụ các đám tiệc, tạo không khí vui tươi ngay tại xóm trọ. Ông Nhẹ cho biết, tính từ lúc xây dựng xóm trọ đến nay, đã có khoảng vài chục đám tiệc được tổ chức tại "nhà hàng" miễn phí này. Chị Néang Mao (28 tuổi), tổ chức đám cưới ngay tại xóm trọ năm trước chia sẻ: "Nhờ tổ chức đám cưới tại đây nên đám xong vẫn dư một khoản tiền để tích cóp vì mình không phải mất tiền thuê nhà hàng, chi phí mâm bàn cũng rẻ hơn. Hơn nữa, tổ chức tại chỗ mọi người trong xóm trọ ai cũng sắp xếp đi được nên vui lắm…". Nhiều cặp nam, nữ thanh niên trong xóm trọ đã có dịp gặp gỡ, tâm sự rồi nên duyên từ những bữa tiệc được tổ chức ngay tại địa điểm này.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu trọ, ông Nhẹ phấn khởi chia sẻ thêm, một trong những điều mà ông rất tâm đắc là đã xây dựng được một siêu thị mini ngay trong xóm trọ để thuận tiện cho CN đến mua sắm. Tại siêu thị này có tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Và đặc biệt, CN lúc nào hết, thiếu thì cứ việc ra lấy về dùng, đến tháng có lương mới phải trả tiền. Ông nói, ý tưởng để ông xây dựng siêu thị xuất phát từ hiệu quả và ý nghĩa mô hình siêu thị CN mà ông học được từ khi còn làm ở Công ty Changshin.
Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, ông Nhẹ chủ động mua và lắp đặt tại mỗi dãy 5 bình chữa cháy, bảng hướng dẫn; đồng thời chỉ dẫn trực tiếp cho CN cách sử dụng. Về công tác an ninh trật tự, học tập theo cách quản lý của công an, ông lập file dữ liệu bao gồm hình ảnh và các thông tin cá nhân quản lý thông tin của CN ở từng phòng. Vì vậy, dù số lượng CN tạm trú lên đến hơn 300 người nhưng ông đều nhớ mặt, nhớ tên, có các thông tin liên quan của tất cả mọi người. Cùng với đó, ông tham gia Đội dân phòng xã Thạnh Phú, hằng đêm trực tiếp tham gia tuần tra, kiểm soát địa bàn. Tại xóm trọ, ông thành lập Đội tự quản về an ninh trật tự với 10 CNLĐ, ông làm đội trưởng, tình hình an ninh trật tự tại xóm luôn được đảm bảo. Chị Néang Mao nói: "Ở đây thì yên tâm. Ở 8 năm rồi mà chưa thấy ai bị mất trộm cắp bao giờ. Xe để cả đêm ở ngoài cũng không sao. Cổng khu luôn được ông chủ khóa chắc chắn cẩn thận".
Đời sống công nhân được cải thiện Tại xóm trọ của ông Nhẹ, hầu như phòng nào cũng có ti vi, tủ lạnh đầy đủ. Theo ông Nhẹ, đời sống của CN trong xóm ngày càng được cải thiện. Hằng năm, cứ dịp lễ, Tết ông đều có món quà nhỏ, mang đến tặng từng phòng để động viên tinh thần. Ai gặp khó khăn đột xuất cần tiền gấp, ông chủ động cho mượn. CN tại khu nhà trọ của ông Nhẹ đã nhiều lần được các đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh… đến thăm và tặng quà. |
Bình luận (0)