Trần Kim Hiếu (TP HCM) hỏi: "Tôi làm việc cho một công ty tư nhân và đã tham gia BHXH được 12 năm. Nay nếu tôi nghỉ việc thì có được rút hết tiền BHXH đã đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không?".
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Luật BHXH hiện hành không có quy định cho phép người lao động (NLĐ) rút ra số tiền BHXH bắt buộc đã đóng. Tuy nhiên, theo Nghị Quyết 93/2015/QH13 thì NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu sẽ được nhận BHXH 1 lần. Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH. Cụ thể, với thời gian đóng trước năm 2014, cứ mỗi năm đóng được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; từ năm 2014 trở đi, mỗi năm đóng được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Như vậy, nếu không tiếp tục tham gia BHXH sau khi nghỉ việc 1 năm, bà Hiếu có thể đề nghị giải quyết chế độ BHXH 1 lần. Song, cần lưu ý, Luật BHXH hiện hành cho phép NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH, cộng dồn thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, cho nên bà Hiếu cần cân nhắc kỹ trước khi hưởng BHXH 1 lần.
Đối với việc hưởng BHTN thì theo quy định của Luật Việc làm, NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc đúng quy định pháp luật (trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ xác định và không xác định thời hạn, 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng BHTN tại trung tâm dịch vụ việc làm; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu bà Hiếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được hưởng BHTN.
Bình luận (0)