Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến giữa tháng 5-2023, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người, với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 69%, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia có tiềm năng to lớn về lực lượng lao động. Tuy nhiên, theo thống kê năm 2021, số người trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên chỉ chiếm 26,3%. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh thị trường lao động chuyển đổi mạnh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đẩy mạnh đào tạo nghề
Với thách thức trên, ngày 30-8-2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1446 phê duyệt chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", thực hiện từ năm 2021-2025. Trong đó, có các chính sách, giải pháp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thu hút người lao động (NLĐ) chủ động tham gia đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Các giải pháp nêu ra trong nghị quyết rất sát thực tiễn, như xác định ngành nghề đào tạo, kỹ năng nghề (KNN) và mô hình đào tạo mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) về nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Người lao động cần được đào tạo liên tục để bắt kịp công nghệ trong công việc
Mục tiêu của chương trình là đào tạo 20 ngành nghề, KNN mới ở trình độ cao đẳng và trung cấp, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Bên cạnh đó, đào tạo lại, nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho NLĐ bị tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra, cần xác định ngành, nghề đào tạo, KNN và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho rằng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các DN phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch COVID-19, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, KNN cho NLĐ để thích ứng với điều kiện sản xuất; đào tạo phổ cập nghề cho NLĐ có kỹ năng thấp, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo ông Huy, ngoài chủ động phối hợp với DN để xây dựng và triển khai phương án đào tạo nâng cao trình độ KNN cho NLĐ đang làm việc tại DN, các cơ sở GDNN cần phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo, cũng như đào tạo mới và chuyển đổi nghề cho NLĐ.
"Trong chính sách hỗ trợ đào tạo này, có đào tạo NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, kể cả số NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa quay trở lại làm việc. Đây chính là nhóm lao động mà các cơ sở GDNN, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần tư vấn, giới thiệu cho họ tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để chuẩn bị cho việc làm trong tương lai" - ông Huy nhấn mạnh.
Gói 4.500 tỉ đồng chỉ giải ngân 0,08%
Đầu tháng 7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sau 1 năm thực hiện, tính đến ngày 30-6-2022, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu NLĐ, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh, với tổng số tiền khoảng 45.600 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách trên có một số hạn chế nhất định. Trong đó, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ có mức độ triển khai thấp nhất. Theo báo cáo của ngành BHXH, tính đến ngày 19-7-2022, mới tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng KNN để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 NLĐ, với số tiền 38,87 tỉ đồng (đạt 0,08%). Trong khi đó, ngân sách cho chính sách này lên đến 4.500 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay kinh phí hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ có mức tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian 6 tháng. Các điều kiện hỗ trợ NSDLĐ trong việc đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ đã được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho NSDLĐ và quy định việc phối hợp với cơ sở GDNN để xây dựng phương án tổ chức đào tạo.
Người học sau khi đào tạo được cấp chứng chỉ của cơ sở GDNN. Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB-XH) cũng đề nghị Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành nhanh chóng phổ biến, thông tin đến NLĐ, các DN trên địa bàn, cơ sở GDNN biết để phối hợp thực hiện. "Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ thấp do điều kiện hưởng khá chặt chẽ, DN tập trung phục hồi sản xuất - kinh doanh nên khó bố trí lao động đào tạo lại... Do vậy, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ này" - ông Hưng nói.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mong muốn Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, tiếp tục đề xuất với Chính phủ một chính sách tương tự để hỗ trợ DN cũng như NLĐ. Bởi tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động… do giảm đơn hàng đang xảy ra tại một số tỉnh, thành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị nên xem xét, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phù hợp liên quan đến việc hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ.
Kỳ tới: Chính sách chưa đi vào cuộc sống
Bình luận (0)