Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 – 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần.
Trong nỗ lực giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Góp ý cho đề xuất này, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Phần lớn ý kiến cho rằng Luật BHXH cần điều chỉnh một số bất cập, nhất là quy định về độ tuổi nghỉ hưu và số năm đóng BHXH để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Rất cảm ơn Báo Người Lao Động đã đồng hành cùng người lao động trong thời gian qua, thấu hiểu những khó khăn trong công việc và cuộc sống của người lao động".
Một bạn đọc tên Thanh dẫn chứng thực tế: "Nơi tôi công tác là trường tiểu học có thầy cô dạy trên 30 năm mà lương chưa được 10 triệu đồng/tháng. Họ đang tính ngày để xin về trước tuổi. Nhà trường không sắp xếp họ vào đâu được, phải đứng lớp mà già yếu quá chỉ tội cho các em". Theo bạn đọc Đặng Viết Duân, người lao động sau khi tham gia đóng đủ 20 năm BHXH thì có thể được nghỉ hưu tùy theo điều kiện về sức khoẻ, gia đình của họ. Luật không nên khống chế tuổi nghỉ hưu, mà để người lao động quyết định khi đã tham gia đóng BHXH đủ 20 năm. Đồng quan điểm, bạn đọc Lương Hồng Tâm đề xuất: "Nên giảm tuổi nghỉ hưu xuống hoặc đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu (không giảm trừ % do thiếu tuổi). Hiện nay trừ % do người lao động về hưu trước tuổi thì thấy quá vô lý, đó là trừ số tiền do chính họ đã đóng vào trước đó".
Một bạn đọc tên Lanh góp ý: "Tôi nữ năm nay 54 tuổi đã bị thoái hóa cột sống không thể làm việc gì, kêu chờ tới 60 tuổi không biết lúc đó còn sống để hưởng lương hưu không. Nên giữ tuổi như lúc trước nam 60 và nữ 55 tuổi". Một bạn đọc giấu tên đề xuất nên quy định thời gian tối thiểu tham gia BHXH và không giới hạn độ tuổi vì bản chất là quỹ và tiền của người lao động tiết kiệm. Cụ thể hơn, bạn đọc Đoàn Hải góp ý: "Nên quy định đóng BHXH đủ 35 năm là được lựa chọn nghỉ hưu chứ không bắt buộc đủ tuổi". Tương tự, bạn đọc Hoàng Thị Trinh bày tỏ: " Cứ đóng đủ 35 năm bảo hiểm thì được hưởng lương hưu không nên quy định tuổi". Cùng góc nhìn, bạn đọc Phúc Thanh chia sẻ: "Rất cảm ơn Báo Người Lao động đồng hành cùng người lao động. Bao ý kiến xác thực đã nêu rõ. Khi đã quy định đóng đủ 35 năm nên để người Lao động tự quyết định nghỉ hưu, không cần điều kiện gì, đóng nhiều hưởng nhiều".
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, làn sóng rút BHXH một lần có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước. Tổng LĐLĐ Việt Nam dự báo từ nay đến hết quý II-2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Ngoài ra sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác hoặc lợi dụng tình hình để thanh lọc lao động trên 35 tuổi nhằm tuyển dụng người trẻ, chi phí thấp hơn.
Bình luận (0)