Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2017, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 9.173 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 898 vụ với 928 người thiệt mạng; số người bị thương nặng là 1.915 người. TP HCM là địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất với 123 người. Trong bối cảnh người lao động (NLĐ) đang phải đối mặt với rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, một số doanh nghiệp (DN) có đông lao động ở TP HCM đã có nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa.
Triệt tiêu rủi ro
Một trong những điển hình trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn TNLĐ là Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (quận 2), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Lúc cao điểm tại các công trình của công ty có hơn 6.000 lao động làm việc. Với số lượng lao động đông đảo và hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao nhưng đến nay, NLĐ ở công ty đã có hơn 13,2 triệu giờ làm việc an toàn, không xảy ra TNLĐ.
Ông Nguyễn Anh Toàn, phó tổng giám đốc thường trực công ty, cho biết: Hiện công ty đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông chính yếu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm dự án 4 tuyến đường chính khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông, dự án vùng châu thổ phía Nam (lâm viên sinh thái)... Đây là những công trình mang ý nghĩa quan trọng của TP và công ty đặt con người, môi trường làm việc lên hàng đầu. "Song song với việc thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động (ATLĐ) cho NLĐ, tại các công trường, công ty luôn đặt các bảng thông tin an toàn - sức khỏe - môi trường nhằm xây dựng ý thức chấp hành nội quy về ATLĐ, đồng thời nhắc nhở NLĐ phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ trước khi vào làm việc. Đối với nhà thầu, ngoài các cam kết chuyên môn, công ty còn yêu cầu cam kết bảo đảm an toàn cho công nhân (CN) thi công. Nhà thầu để xảy ra sai sót trong công tác bảo đảm ATLĐ sẽ bị xử nghiêm. Bộ phận giám sát ATLĐ của công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố nhằm triệt tiêu nguy cơ xảy ra TNLĐ" - ông Toàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB-XH TP HCM), nhận xét: "Ngành xây dựng là một trong những ngành xảy ra TNLĐ nhiều nhất với số người chết cao nhất. Trong bối cảnh đó, việc Công ty Đại Quang Minh không để xảy ra TNLĐ là điều rất đáng được ghi nhận".
Người lao động khám bệnh nghề nghiệp miễn phí tại Phòng khám Đa khoa Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam. Ảnh: MAI CHI
Vì sự an toàn lao động của người lao động
Với phương châm hoạt động "ATLĐ là trên hết - Có sức khỏe là có tất cả", ngay khi đi vào hoạt động, công tác bảo đảm ATLĐ đã được Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) đặc biệt chú trọng.
Bà Lê Thị Diệu Thúy, giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, cho biết hiện DN có khoảng 68.000 lao động đang làm việc. Để bảo đảm ATLĐ cho NLĐ, công ty đã lập ra ban quản lý ATLĐ, chịu sự chỉ đạo của tập đoàn mẹ ở Đài Loan (Trung Quốc) thông qua các phòng quản lý ATLĐ tại từng quốc gia và từng nhà máy. Ban này có chức năng huấn luyện ATLĐ cho NLĐ; quản lý máy móc và địa điểm làm việc có rủi ro cao; kiểm tra và xử lý sự cố về TNLĐ; tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá nhằm đề ra các giải pháp giảm thiểu tình hình TNLĐ. Hằng ngày, công ty đều tiến hành kiểm tra nhiệt độ, độ rung, tiếng ồn nơi làm việc nhằm kịp thời khắc phục.
Ngoài thường xuyên tổ chức tập huấn ATLĐ, công ty còn xây dựng phòng khám đa khoa để chăm sóc sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho CN. Phòng khám với các trang thiết bị hiện đại… luôn có bác sĩ túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Ngoài ra, công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ mỗi năm. Chất lượng thực phẩm phục vụ giữa ca cho NLĐ cũng được kiểm tra kỹ lưỡng cả đầu vào lẫn đầu ra nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… "Vì nỗ lực ấy, tỉ lệ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tại DN luôn ở mức thấp nhất trong các công ty trực thuộc tập đoàn" - bà Thúy cho biết.
Ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch công đoàn (CĐ) công ty, cho biết bên cạnh việc đồng hành chăm lo đời sống NLĐ, công ty luôn ủng hộ các hoạt động về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) do CĐ cơ sở tổ chức. Mới đây, công ty đã phối hợp với CĐ phát động tháng AT-VSLĐ thu hút sự tham gia của hơn 1.500 CN với nhiều hoạt động sôi nổi như: triển lãm ảnh về ATLĐ-PCCC, thi vẽ tranh cổ động về đề tài ATLĐ, tổ chức ngày chủ nhật xanh, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 500 CN nữ. Công ty còn phối phợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tổ chức khám bệnh nghề nghiệp miễn phí cho hơn 1.000 CN làm việc trong môi trường độc hại.
Bà NGUYỄN THỊ HÀ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH:
Cần thay đổi nhận thức
TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có thể tránh được nếu DN làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế các rủi ro. Do vậy, DN cần quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác bảo hộ lao động, xem đây là hình thức đầu tư cho con người. Nếu DN phòng ngừa tốt sẽ giảm thiểu các rủi ro, nguy cơ về TNLĐ. Về phía NLĐ cũng cần tuân thủ đúng các quy định về AT-VSLĐ để tự bảo vệ mình, đồng nghiệp và người thân.
Bình luận (0)