Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc khám sức khỏe tổng quát cho nhân viên. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần của người lao động (NLĐ) vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều NLĐ đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là hiện tượng trầm cảm ngày càng phổ biến.
Sóng ngầm
Căng thẳng trong công việc, rắc rối trong đời sống cá nhân, thường xuyên phiền muộn lo âu nhưng thay vì thừa nhận mình có vấn đề, nhiều NLĐ lại cố "gồng mình", bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Chưa hết bàng hoàng, anh H.A.D, chuyên viên nhân sự một công ty lớn ở TP HCM, kể lại cách đây hơn 1 năm, anh trực tiếp tuyển dụng cho công ty một nhân viên tư vấn tài chính. Nhân viên này là người có năng lực, lại hòa đồng vô tư, rất biết cách cân bằng công việc và đời sống khi thường rủ bạn bè nghỉ phép du lịch. Mọi việc trôi chảy cho đến một ngày, anh nhân viên đột ngột nhảy lầu tự tử trong sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. "Là người làm nhân sự, mình có để ý một số biểu hiện buồn bã hay nóng nảy cáu gắt khi anh ấy đánh vật với mấy bảng số liệu báo cáo. Phòng nhân sự cũng đã khuyên giải nhưng không ngờ mọi việc lại nghiêm trọng như thế. Khi anh ấy đi rồi, gia đình mới đưa cho chúng tôi xem kết luận của bác sĩ trước đó 1 tháng là anh bị trầm cảm" - anh D. cho biết.
Các hoạt động văn hóa, thể thao giúp người lao động giảm bớt áp lực, căng thẳng
Cũng theo anh H.A.D, trong công ty có một kỹ thuật viên khác cũng năng nổ và nhiệt tình, công tác chuyên môn giỏi, rất được lòng đồng nghiệp. Nhưng nhân viên này lại có cái tật là không thể tự sắp xếp được thứ tự ưu tiên của công việc. Mỗi khi đứng trước 2 nhiệm vụ cùng lúc là nhân viên này gần như tê liệt. "Không ai biết ảnh bị gì, chỉ gọi nôm na là "thần kinh yếu". Có lần đột xuất, khối văn phòng xin phép cho ảnh lên hỗ trợ trang trí một số vật dụng. Đang làm vui vẻ bỗng nhiên dưới xưởng lại phát sinh việc mà anh ấy không thể hoàn thành cùng lúc. Chỉ vậy thôi mà anh ôm đầu, bứt tóc, tự dằn vặt mình đến đờ đẫn rồi phát rồ lên chửi bới lung tung, mất kiểm soát" - anh D. nhớ lại.
Cách đây không lâu, một công nhân ở TP HCM sau khi cãi nhau với cấp trên, mất kiểm soát, đã đập phá vật dụng trong nhà máy và sau đó nhảy lầu tự tử nhưng may mắn chỉ bị thương. Vì tự nhảy lầu, anh công nhân không được xem là tai nạn lao động. Theo các đồng nghiệp kể lại, có thể anh bị quá tải do phải thường xuyên dậy rất sớm để phụ vợ bán hàng, sau đó đi làm, thỉnh thoảng phải tăng ca đến khuya, ngủ không đủ giấc.
Cần thay đổi nhận thức
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường hợp phản ứng cực đoan thường xảy ra với những nhân viên ít ai ngờ đến. Bác sĩ Ngô Tích Linh, Trưởng Bộ môn Tâm thần ĐH Y Dược TP HCM, nhìn nhận: Trong đời sống hiện đại, hiện tượng căng thẳng, quá tải trong công việc có ở khắp mọi nơi nhưng có dẫn đến các chứng bệnh hay không tùy thuộc ở từng người. Cũng áp lực như nhau nhưng mỗi người phản ứng khác nhau. "Với những người dễ dàng bộc lộ cảm xúc, tình cảm thì dễ dàng thích nghi hơn với áp lực vì họ dễ dàng giải tỏa. Song đặc trưng văn hóa phương Đông lại không ủng hộ cá nhân bộc lộ cảm xúc nội tâm nhiều. Đó là một rào cản. Cần chú ý khi nói ai đó "hiền lành" thì chưa chắc người ấy có một cuộc sống bình thản mà có thể sâu bên trong lại là một sự chịu đựng dai dẳng chứ không phải là sự yên bình" - bác sĩ Linh cho biết.
Phần lớn các biểu hiện của chứng trầm cảm thường thể hiện rõ ràng nhất khi năng suất lao động xuống thấp. Cá nhân thường mệt mỏi, nóng nảy, lo âu thường trực, toát mồ hôi hay nhức đầu, mất ngủ… Đây là một yếu tố có nhiều rủi ro trong lao động, khi người lao động mất tập trung, phản xạ chậm, có thể dẫn đến tai nạn lao động. Theo bác sĩ Linh, hiện nay, phần nhiều mọi người vẫn chưa hiểu đúng các vấn đề về tâm thần khi cho rằng đó là một cái gì đó quá nặng nề khiến người bệnh không dám đối diện với chính mình. Trong khi đó, thực tế các vấn đề tâm thần lại đa dạng, nhiều mức độ. "Như anh kỹ thuật viên khó dung hòa giữa 2 công việc cùng lúc, có thể anh ấy mắc chứng rối loạn lo âu khi quá cầu toàn, lúc nào cũng sợ không toàn diện. Thực tế, nhiều chứng bệnh có thể điều trị khả quan nếu phát hiện sớm bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, nhận thức về sức khỏe tâm thần chưa cao nên người ta không đi khám khi còn nhẹ. Ngay cả hình dung về bác sĩ tâm thần cũng còn xa cách với người dân. Nhiều loại bảo hiểm y tế cũng không chi trả đối với các chứng bệnh này" - bác sĩ Linh cho biết.
Trầm cảm có thể xảy ra với tất cả mọi người
Bà Võ Thị Minh Huệ, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Công ty Tâm lý Trẻ, cho biết các chứng stress, trầm cảm có thể xảy ra với tất cả mọi người không trừ một ai, bất kể loại lao động gì. Bà Huệ bày tỏ băn khoăn: "Người trong cuộc không dám nói ra hoặc điều trị vì sợ bị cho là yếu đuối, thiếu năng lực, thậm chí sợ mất việc, mất chức, bị phán xét là kẻ thất bại nên càng để lâu càng nặng thêm. Tại sao cảm sốt một tí người ta đã đi bác sĩ khám trong khi nhức đầu, mất ngủ nhiều đêm liền người ta lại cứ chịu đựng? Việc phát hiện sớm cũng không quá khó khăn khi chỉ cần một bài test tâm lý đã có thể phát hiện một số yếu tố có nguy cơ ngay từ đầu. Một khía cạnh khác cũng khá nguy hiểm là thông tin rất nhiều trên mạng nhưng lại không cụ thể. Người đọc không có kiến thức chuyên môn chỉ biết đại khái, không tới nơi tới chốn, đọc đến đâu thấy bệnh đến đó, càng khiến người ta nghi ngờ, hoang mang mà hại thêm".
Bình luận (0)