Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung vừa ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ Tết và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2017 đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là công chức, viên chức - CCVC).
Hai phương án
Theo tờ trình, đối với Tết Dương lịch 2017, do ngày Tết rơi vào chủ nhật, trùng với ngày nghỉ hằng tuần nên CCVC sẽ được nghỉ bù vào thứ hai. Như vậy, CCVC sẽ được nghỉ từ ngày 31-12-2016 đến hết ngày 2-1-2017, tổng cộng là 3 ngày.
Công nhân tại TP HCM về quê ăn Tết. Họ mong muốn được nghỉ dài ngày sau một năm làm việc vất vả Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với Tết Âm lịch, có 2 phương án. Phương án 1, là nghỉ 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm, không hoán đổi ngày nghỉ. CCVC nghỉ từ thứ năm ngày 26-1-2017 đến hết thứ tư ngày 1-2-2017 (tức từ 29 tháng chạp năm Bính Thân đến hết mùng 5 tháng giêng năm Đinh Dậu). Tuy nhiên, do ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch trùng thứ bảy và chủ nhật nên CCVC được nghỉ bù vào mùng 4 và mùng 5 Tết. Theo phương án này, CCVC được nghỉ 7 ngày liên tục.
Phương án 2, là nghỉ 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm. CCVC nghỉ 7 ngày liên tục từ 30 tháng chạp năm Bính Thân đến mùng 6 tháng giêng năm Đinh Dậu (có 2 ngày nghỉ bù do ngày Tết trùng ngày nghỉ hằng tuần). Tuy nhiên, ở phương án này, có 1 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần tiếp theo (thứ sáu ngày 3-2-2017, tức mùng 7 tháng giêng). Do vậy, bộ đề xuất hoán đổi như sau: CCVC nghỉ ngày thứ sáu (3-2-2017) và đi làm ngày thứ bảy (11-2-2017). Tổng số ngày nghỉ của dịp này là 10 ngày liên tục.
Trong tờ trình, Bộ LĐ-TB-XH nghiêng về phương án 1 (nghỉ 7 ngày). Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phương án 1 là hài hòa, phù hợp hơn vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết 5 ngày là phù hợp. Đối tượng áp dụng lịch nghỉ Tết do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất là CCVC và người lao động (NLĐ) làm việc trong các cơ quan hành chính - sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đối tượng áp dụng hoán đổi là CCVC của các đơn vị có lịch nghỉ hằng tuần là 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, không áp dụng với các doanh nghiệp (DN) và người dân nói chung. Đối với CCVC thuộc đối tượng đi làm cả ngày thứ bảy thì không áp dụng hoán đổi nên vẫn đi làm cả thứ bảy và cả ngày đang dự kiến nghỉ trong lịch hoán đổi.
Người lao động muốn được nghỉ dài ngày
Đối với NLĐ làm việc trong các cơ sở sản xuất - kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó trưởng Ban Kinh tế Chính sách và Thi đua Khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng cũng nên bố trí để NLĐ được nghỉ Tết dài ngày. “Đa phần NLĐ làm việc xa quê, nghỉ Tết dài ngày không chỉ giúp họ tránh phải mua vé tàu, xe với giá đắt đỏ do cận ngày nghỉ mà còn giúp họ có thời gian về quê sớm để sắm Tết, không phải mua hàng giá cao do đội giá. Ngoài ra, việc cho nghỉ Tết dài ngày cũng giảm áp lực về thời gian đi lại của NLĐ từ các thành phố lớn về quê đón Tết cũng như trở lại làm việc sau Tết” - ông Quang nói.
Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Minh Khoa - đang làm việc tại KCX Tân Thuận, TP HCM - rất mong muốn kỳ nghỉ Tết kéo dài. “Đồng nghiệp của tôi đa số quê ở miền Trung, miền Bắc. Sau một năm làm việc vất vả, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, được đoàn tụ với gia đình. Nếu kỳ nghỉ ngắn thì việc đi lại đã chiếm hầu hết thời gian nghỉ. Theo tôi, các dịp lễ khác trong năm có thể nghỉ ít hơn để tập trung cho sản xuất nhưng dịp Tết Nguyên đán thì nên cho nghỉ nhiều hơn” - chị Khoa đề nghị.
Trong thực tế, tại TP HCM, nhiều DN cho NLĐ nghỉ Tết dài hơn quy định. Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex (KCX Linh Trung 1), cho biết Tết năm nay, công ty cho NLĐ nghỉ 12 ngày. Tại thời điểm này, DN đã thông báo lịch nghỉ Tết. Theo đó, Tết Nguyên đán 2017, NLĐ được nghỉ từ ngày 27 tháng chạp đến mùng 10 tháng giêng. “Năm nào công ty cũng chủ động thông báo sớm thời gian nghỉ Tết để công nhân (CN) sắp xếp kế hoạch về quê hoặc vui chơi, giải trí. Đối với CN có hoàn cảnh khó khăn nhiều năm không có điều kiện về quê đón Tết, công ty còn hỗ trợ vé xe để họ được sum họp cùng gia đình” - ông Phê cho biết thêm.
Chị TRẦN THỊ NGỌC LÊ, CN Công ty Danu Vina (KCX Linh Trung 1, TP HCM):
Nghỉ càng nhiều càng tốt
Đa số CN ở công ty chúng tôi đều quê ở miền Trung, miền Bắc vì thế nhu cầu về quê, sum họp gia đình rất bức thiết. Có người 2-3 năm, thậm chí nhiều hơn, vẫn chưa được về quê vì mỗi lần về tốn một khoản tiền lớn cộng thời gian đi tàu, xe cập rập, khó khăn. Nhiều CN phải lấy thêm phép năm mới có thể ở quê được vài ngày cùng người thân. Nhưng phép năm của CN rất quý, đó là “của để dành” khi ốm đau, bệnh tật hoặc con bị bệnh. Vì vậy, tôi mong nhà nước cho nghỉ Tết dài ngày.
Anh LÊ VĂN HƯNG, kỹ sư thủy lợi:
Cứ theo quy định bình thường
Việc nghỉ Tết 10 ngày sẽ thuận lợi cho những người về quê ở xa vì rộng thời gian đi lại, đỡ áp lực tàu, xe. Tuy nhiên, theo ý kiến tôi thì cứ theo quy định bình thường mà cho nghỉ, tức là chỉ nên nghỉ 7 ngày là đủ. Thực tế, mọi người nếu đi xa có thể xin thêm vài ngày phép của mình vào việc nghỉ Tết. Cho nghỉ dài quá khi đi làm lại rất uể oải. Đó là chưa kể với khối hành chính - sự nghiệp, khu vực nhà nước khi đi làm bù về hình thức là có nhưng thực tế hiệu quả làm việc vào những ngày làm bù là rất thấp, đi làm cũng như không.
Chị LÝ LỆ HÀ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Việt Sang:
Nghỉ Tết Nguyên đán nên kéo dài
Vừa qua, tôi cũng đọc nhiều thông tin về việc Bộ LĐ-TB-XH công bố thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2017, tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất. Đứng ở góc độ là cán bộ Công đoàn, tôi nghĩ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên kéo dài (từ 9 ngày trở lên) bởi đây là dịp để CN có đủ thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Thực tế, nhiều chủ DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã tìm hiểu về văn hóa của người Việt, trong đó có Tết cổ truyền, nên sớm sắp xếp tiến độ sản xuất từ đầu năm để cuối năm CN được nghỉ Tết dài, có nơi thời gian nghỉ Tết thậm chí kéo dài nửa tháng. Tại Việt Sang, năm nào ban giám đốc cũng cho CN nghỉ từ 10-12 ngày để họ có đủ thời gian tái tạo sức lao động hoặc về quê sum họp với gia đình.
Ông HUỲNH PHÁT ĐẠT, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 4, TP HCM):
7 ngày là vừa đủ
Hiện nay, việc chuyển dịch lao động trong cả nước là vấn đề rất phổ biến. NLĐ ở các tỉnh dần dần có xu hướng làm việc ở các thành phố lớn, những nơi có KCX-KCN tập trung. Truyền thống của người Việt ngày Tết là ngày sum họp gia đình, viếng thăm họ hàng. Do đó, thời gian về nơi chôn nhau cắt rốn cùng với cha ông, họ hàng là tình cảm thiết tha của mỗi người. Và đó là một nhu cầu chính đáng. Do vậy thời điểm trước Tết mọi người sẽ về quê và sau đó trở lại nơi làm việc của mình.
Theo tôi, thời gian nghỉ Tết 7 ngày là vừa vì hiện nay, nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển, vì thế chúng ta cũng phải theo xu thế của thế giới. Người Việt không thể ăn Tết quá lâu vì khách hàng, nhà máy không thể không có người làm. Vì thế, 7 ngày là vừa đủ để vui chơi, nghỉ ngơi, thăm viếng người thân.
H.Đào - T.Nga - B.Đằng ghi
Bình luận (0)