xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có việc, sao không nhận?

MAI CHI

Trong khi lao động tại một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng hết sức khó khăn vì bị mất việc thì ở một số nơi khác lại đang xảy ra tình trạng người lao động đua nhau xin nghỉ việc dù có việc làm ổn định

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết sau dịch COVID-19, tình hình đơn hàng của công ty khá ổn định, việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) được bảo đảm. Thế nhưng, có rất nhiều công nhân (CN) xin nghỉ việc, trong khi doanh nghiệp (DN) rất khó tuyển lao động.

Rủ nhau nghỉ

Công ty TNHH May mặc Quảng Việt đang sử dụng khoảng 14.000 lao động tại 3 nhà máy đặt tại TP HCM, Tiền Giang và Long An. Sau đợt dịch COVID-19, suy nghĩ của số đông CN về công việc đã thay đổi rất cơ bản. Nhiều CN cho hay họ chỉ biết cuộc sống hôm nay, không tính trước được ngày mai nên không còn muốn làm việc ổn định ở một nơi. Không ít CN lo ngại về sự thay đổi của chính sách BHXH nên rủ nhau xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp một lần.

"Một chuyền may trung bình có khoảng 27-28 CN thì có đến 7-8 người có tay nghề xin nghỉ việc. Đa số họ đều có thâm niên làm việc gần 15 năm khiến DN rất đau đầu trong việc tìm nguồn bổ sung" - bà Hiền nói.

Có việc, sao không nhận? - Ảnh 1.

Đại diện một doanh nghiệp phát tờ rơi tuyển dụng công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Nếu như trước dịch COVID-19, Công ty TNHH Hansae Việt Nam có hơn 20.000 CN làm việc tại 3 công ty đặt tại TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh thì nay chỉ còn hơn 10.000 lao động. Chỉ riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đã có khoảng 4.000 CN nghỉ việc. Công ty TNHH Hansae Việt Nam chuyên sản xuất 2 loại sản phẩm may mặc (dệt kim và thời trang), trong đó, dệt kim chiếm 80% tổng số đơn hàng.

Sáu tháng cuối năm 2022, do đơn hàng dệt kim giảm hơn 50% nên công ty buộc phải giảm lao động. Việc cắt giảm lao động dựa trên cơ sở tự nguyện của NLĐ. Công ty chỉ khuyến khích NLĐ nghỉ việc, theo đó CN có từ 10 năm làm việc trở lên nếu xin nghỉ sẽ được công ty hỗ trợ 2 tháng lương; CN làm trên 12 năm được hỗ trợ 3 tháng lương. Đa số NLĐ xin nghỉ đều lớn tuổi và mục đích không hẳn là vì khoản hỗ trợ của công ty mà để hưởng BHXH một lần.

"Thông tin về việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu còn từ 10-15 năm và đề xuất chỉ cho NLĐ hưởng 8% khi rút BHXH một lần là nguyên nhân chính tác động đến quyết định xin nghỉ việc của CN" - ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty, nói.

Không thiếu việc làm

Do đơn hàng ổn định nên Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TP HCM) thường xuyên rao tuyển lao động. Do vậy, mới đây, khi hay tin Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) cắt giảm 1.200 CN, công ty đã cử cán bộ đến tận nơi để tuyển người. Tuy nhiên, kết quả nhận được không như mong muốn bởi nhiều CN mất việc tại Công ty TNHH Tỷ Hùng cho hay họ chỉ muốn tìm công việc thời vụ để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và BHXH một lần.

Tình trạng CN mất việc nhưng không chịu nhận việc mới được bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, xác nhận. Bà Trúc cho hay trước tình trạng DN cắt giảm lao động do gặp khó khăn về đơn hàng, sở đã nhanh chóng tiếp cận nắm bắt tình hình nhu cầu việc làm của NLĐ để kết nối việc làm cho họ đến các công ty chung lĩnh vực ngành nghề, trên cùng một địa bàn.

Thế nhưng, số CN đồng ý nhận việc không nhiều. Chẳng hạn, chỉ có 700/1.400 CN mất việc ở Công ty TNHH Việt Nam Samho nhận việc làm mới, số còn lại về quê hoặc tìm việc thời vụ để vừa nhận lương cao vừa không phải đóng BHXH, BHYT, chưa kể còn được nhận TCTN và BHXH một lần.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ tháng 6 đến 10-2022, có khoảng 20.000 lao động bị DN cắt giảm do thiếu đơn hàng. Theo ông Cao Duy Thái, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, việc giảm giờ làm khiến thu nhập NLĐ bị giảm sâu là có nhưng chưa đến mức mất việc nhưng không thể tìm được việc làm mới.

Qua khảo sát nhanh tại 16 DN trên địa bàn tỉnh, có 5.000 chỗ làm chờ NLĐ. Như vậy, việc làm cho NLĐ không thiếu. "NLĐ mất việc nhưng không thể tìm được việc để làm khác với tình trạng có việc làm nhưng NLĐ không nhận, như vậy không hẳn là thất nghiệp. NLĐ hiện có tâm lý nghỉ việc hưởng hết TCTN rồi tìm việc làm hoặc tìm việc làm mới nhưng thỏa thuận với DN không tham gia bảo hiểm để hưởng hết TCTN" - ông Thái cho hay.

Kỳ tới: Cách nào bịt "lỗ hổng"?


Tại Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12, TP HCM), do đơn hàng dồi dào nên CN không lo thiếu việc. Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là sau mỗi dịp nghỉ Tết vì NLĐ xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. Bình quân mỗi năm có từ 150-200 lao động xin nghỉ để hưởng trợ cấp một lần. “Những thay đổi về chính sách BHXH là một phần nguyên nhân khiến NLĐ chọn giải pháp ngắn hạn, thay vì tiếp tục làm việc, đóng BHXH để nhận lương hưu” - luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo