Đột ngột mất việc, lao động trẻ đứng trước những sự lựa chọn: tìm việc làm mới, về quê nghỉ Tết sớm hoặc tìm việc ở quê. Trong đó, nhiều người cho biết đang tìm hiểu thị trường lao động nước ngoài để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Theo họ, đó là cơ hội để thay đổi môi trường làm việc hiện tại, cuộc sống tương lai.
Điều kiện thoáng
Ghi nhận từ các doanh nghiệp (DN) XKLĐ, số công nhân (CN) trẻ mất việc đến tìm hiểu cơ hội ra nước ngoài làm việc ngày một tăng. Tại một công ty XKLĐ ở quận Tân Bình, TP HCM, anh Ngô Ngọc Long (27 tuổi; quê Đắk Lắk) đang bổ sung thủ tục để đi làm tại Nhật Bản. Anh Long cho biết hơn 5 năm làm việc tại một DN xuất khẩu đồ gỗ tại quận 12, TP HCM, nhưng do gặp khó khăn, công ty đang có kế hoạch cắt giảm 80 lao động. Ba tháng không tăng ca, nghỉ thứ bảy và chủ nhật nên thu nhập của anh giảm 30% (còn 6,5 triệu đồng/tháng).
"Do vậy, tôi xin nghỉ việc trước để đi XKLĐ 3 năm. Đây là quyết định khó khăn, vì vợ ở nhà phải vừa làm vừa chăm con. May mắn là được gia đình ủng hộ và công ty XKLĐ cho nợ phí nên mọi việc bước đầu đều thuận lợi" - anh Long nói. Hiện đang tập trung học tiếng Nhật để kịp bay trong tháng 3 năm sau, nên thời gian này anh Long tranh thủ chạy xe ôm công nghệ.
Anh Ngô Ngọc Long trao đổi với nhân viên công ty xuất khẩu lao động để bổ sung thủ tục
Không vướng bận gia đình như anh Long, chị Vũ Thị Huyền (28 tuổi; quê Vĩnh Long) và chị Hồng Khúc Hưng (25 tuổi; quê Tiền Giang) cũng quyết định sẽ sang Nhật Bản làm việc. Làm cùng chuyền ráp mẫu tại một công ty giày da ở quận Bình Tân, TP HCM, nhưng do không có đơn hàng mới nên cả 2 được công ty cho tạm nghỉ việc hưởng lương đến hết tháng 12 nhưng hai chị quyết định nghỉ luôn để tập trung học tiếng Nhật.
"Tôi đã có dự định sẽ làm vài năm rồi đi XKLĐ nhưng không ngờ kế hoạch lại đến sớm hơn dự định. Mức phí để đi hiện nay cũng khá thấp, nhiều công việc phù hợp cho mình lựa chọn, trình độ tiếng cũng không yêu cầu quá cao" - chị Huyền nói. Còn chị Hưng có định hướng về quê lập nghiệp nhưng khi chị Huyền phân tích, thấy hợp lý nên quyết định đi 3 năm để có thêm vốn làm ăn sau này.
Chủ động nâng cao trình độ
Theo ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc chi nhánh TP HCM - Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO, số lao động trẻ nhiều năm làm CN đã nghỉ việc tìm cơ hội đi XKLĐ ngày một nhiều, đa phần là muốn đi Nhật Bản bởi các điều kiện tuyển dụng khá rộng mở. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn này của NLĐ, trong đó có mức chi phí đi XKLĐ Nhật Bản đang rất thấp, nhiều công việc và mức lương cao.
Là chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM - nhìn nhận thị trường lao động đang đòi hỏi ngày một cao từ NLĐ. Nếu không có tay nghề, chắc chắn họ sẽ khó trụ vững trong thị trường này. Do đó, trong thời gian bị mất việc, NLĐ nên tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong chuyên nghiệp và cả ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Nếu lao động trẻ chưa có tay nghề hay chuyên môn thì nên chọn một nghề phù hợp nhất với mình để theo học. Theo ông Tuấn, hiện có nhiều công việc làm bán thời gian, thời vụ có thể vừa học vừa làm để bảo đảm cuộc sống. Các lớp nghề cũng được thiết kế chuyên sâu, ngắn hạn giúp NLĐ nhanh chóng quay lại thị trường lao động với tư thế khác, dễ tìm được việc làm tốt, thu nhập chắc chắn cao hơn.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng Adecco Việt Nam, cho rằng nhiều việc làm mới sử dụng công nghệ 4.0 đang hấp dẫn lao động trẻ như: xe ôm công nghệ, tiếp thị liên kết, kinh doanh online, làm TikTok, YouTube... Nhưng các công việc này có tính cạnh tranh cao, đào thải nhanh, nguy cơ tái thất nghiệp lớn. Lợi thế của lao động trẻ là học hỏi nhanh, sử dụng công nghệ tốt sẽ là lợi thế giúp họ nhanh chóng có việc làm.
Bình luận (0)