Chương trình tuyển điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản luôn được nhiều người lao động quan tâm bởi mức lương khá cao, từ 30-60 triệu đồng/tháng. Lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người lao động, thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân thông tin có thể tuyển chọn, đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản theo hình thức visa du lịch, du học nhằm mục đích thu tiền trái phép của người lao động.
Nhu cầu tiếp nhận cao
Nhật Bản là quốc gia có nhu cầu tiếp nhận lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở mức cao. Tuy nhiên, ngành điều dưỡng, hộ lý của Nhật Bản hiện mới cấp phép cho 3 quốc gia là Việt Nam, Philippines và Indonesia. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), sau 4 năm triển khai đưa điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản, chương trình đã tuyển chọn được 960 ứng viên. Trong đó, 673 ứng viên đã xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc, còn 239 học viên khóa 5 đang trong quá trình đào tạo.
Người lao động nên cảnh giác với các thông tin tuyển điều dưỡng làm việc tại Nhật Bản với chi phí thấp (Ảnh minh họa)
Chia sẻ thông tin về thị trường tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mẫu Diệp cho biết, trong các buổi làm việc với các cơ quan đầu mối phía Nhật Bản, chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao. Tỉ lệ thi đỗ của ứng viên Việt Nam cao nhất trong 3 nước phái cử điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản liên tiếp trong 3 năm qua. Do đó, nhu cầu tiếp nhận của phía đối tác với Việt Nam luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa. Ví dụ, khóa 4 có 210 ứng viên đang trong thời gian đào tạo tiếng Nhật 1 năm tại Việt Nam, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản thông báo cho Việt Nam là 760 người.
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước), Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đều kỳ vọng số lượng ứng viên được đưa sang làm việc tại Nhật sẽ tăng, tuy nhiên, hiện nay, ứng viên được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo và hoàn toàn từ ngân sách của hai nước nên số lượng còn hạn chế. Do đó, thời gian tới có thể tính tới mục tiêu xã hội hóa dần chương trình này. Cá nhân quan tâm tới việc đi làm điều dưỡng, hộ lý có thể học trước tiếng Nhật, rút ngắn thời gian đào tạo tiếng tại Việt Nam, để có thể xuất cảnh sớm hơn.
Thận trọng với "bẫy" tuyển dụng
Tăng trưởng lao động xuất khẩu là tín hiệu tốt đối với thị trường lao động Việt Nam, bởi không những góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và thiếu việc làm mà còn giúp NLĐ có cơ hội kiếm được thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống cũng như tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Dù vậy, trước khi tham gia vào bất kỳ thị trường lao động nào, NLĐ cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin qua các kênh chính thống như Sở LĐ-TB-XH tại các địa phương.
Cảnh báo về tình trạng lừa đảo tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản, bà Trần Thị Vân Hà lưu ý, hiện nay, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng tuyển dụng đưa ra những tiêu chuẩn về chuyên môn, ngoại ngữ rất thấp. Mục đích đưa NLĐ đi làm việc nhưng giấy tờ lại là đi du học, du lịch. Đây là những thông tin không đúng sự thật, đến thời điểm này, đối với mã ngành điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản, chỉ có duy nhất kênh tuyển chọn theo chương trình VJEPA là hợp pháp.
Trên thực tế, nền y tế của Nhật Bản có trình độ phát triển hàng đầu thế giới nên những yêu cầu đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ của họ rất cao, nếu không có tay nghề, không được đào tạo bài bản thì NLĐ không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu không có kỹ năng thì khó có cơ hội việc làm chứ chưa nói đến mức lương cao. Cùng với đó, nếu không có giấy phép lao động hợp pháp, NLĐ có thể bị phạt tiền, bắt giữ và bị trục xuất về nước mà không ai có thể bảo vệ.
"Thời gian tới, Nhật Bản đưa nghề điều dưỡng vào trong danh mục ngành nghề thực tập kỹ năng thì các công ty phái cử của Việt Nam có thể tuyển chọn lao động đưa sang Nhật Bản làm việc, tuy nhiên, cho đến nay, các tiêu chí tuyển chọn, điều kiện cụ thể và quy trình tiếp nhận thế nào thì hiện phía Nhật Bản chưa có thông tin chi tiết. Từ 1-11-2017, Nhật Bản bắt đầu áp dụng luật mới này, sau đó, khi nhận được thông báo cụ thể từ nước bạn, chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi" - bà Trần Thị Vân Hà cho biết thêm.
Bình luận (0)