Cứ đến mùa tựu trường, nhiều bậc phụ huynh nói chung và gia đình công nhân (CN) nói riêng lại vất vả tìm nơi gửi con; vấn đề học phí, môi trường học tập cũng là mối bận tâm của phụ huynh. Thế nhưng với CN đang làm việc tại Công ty TNHH Dona Standard (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) không phải trăn trở những nỗi lo đó, bởi con họ được theo học ở một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, được công ty hỗ trợ hoàn toàn học phí.
Chi tiền tỉ trả lương cho giáo viên
Ðến thăm Trường mẫu giáo Dona Standard, tiếng chào hỏi, thưa gửi lễ phép của học sinh là ấn tượng đẹp ban đầu với nhiều người. Từ 6 giờ, phụ huynh đưa trẻ đến trường; theo lối chỉ dẫn, trẻ thay giày, dép sạch để đi theo hành lang vào lớp. Trẻ được các cô dạy cách tự đặt giày, dép vào kệ, túi đồ được bỏ vào từng ô gọn gàng, ngăn nắp. Các em đều gọi các cô là mẹ. Trao con cho giáo viên cũng là lúc các công nhân vội vã về công ty kế bên bắt đầu một ngày làm việc mới, đến khoảng 18 giờ họ lại đến đón con. Những ngày tăng ca, các con ở lại trường đến 20 giờ.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng dự khai giảng năm học mới tại Trường mẫu giáo Dona Standard
Chị Nguyễn Thị Dự, CN bộ phận DS1, Công ty TNHH Dona Standard, có con trai hơn 2 tuổi đang gửi tại trường cho biết từ ngày có trường mầm non của công ty chị rất yên tâm làm việc vì bảo đảm được việc đưa đón con theo giờ làm việc bình thường hoặc tăng ca. Ðặc biệt, nhà trường chỉ thu 430.000 đồng/tháng, trong khi chi phí phục vụ trẻ mỗi tháng cao hơn rất nhiều. "Không thể nói gì hơn ngoài lời cảm ơn đến công ty, Công đoàn (CĐ), nhất là các cô giáo dạy trẻ tại đây", chị Dự nói. Còn anh Bùi Văn Thông, CN có con theo học lớp mầm bày tỏ, ở quê mà có ngôi trường khang trang như thế này cho con CN thật là tốt. Từ lớp học đến khu vệ sinh đều rất sạch sẽ. Mỗi sáng con đều vui vẻ đến trường và ra về cũng hào hứng không kém. Hàng tháng các cô đều cập nhật chỉ số chiều cao, cân nặng vào sổ theo dõi sức khỏe của trẻ nên phụ huynh rất an tâm.
Tổng giám đốc công ty Lâm Quang Quang cho biết, tại Ðồng Nai, Tập đoàn Phong Thái có 2 trường mẫu giáo đáp ứng nhu cầu cho gần 3.000 con CN. Riêng Trường mẫu giáo Dona Standard được xây dựng năm 2016 với quy mô 2,4 ha, 32 phòng học, khu vui chơi ngoài trời và nhà ăn, nuôi dạy khoảng 1.000 trẻ. Không chỉ đầu tư hơn 3 triệu đô la xây dựng trường, hàng tháng công ty còn chi khoảng 1,5 tỷ đồng trả lương cho gần 100 giáo viên, công nhân viên và các chi phí hoạt động khác của trường. Mong muốn của công ty là tạo được môi trường học tập tốt với chi phí thấp cho con CN.
Cô Trương Huỳnh Hồng Lĩnh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Dona Standard cho biết, sau 3 năm đi vào hoạt động, số lượng trẻ ngày càng đông, hiện tại có trên 900 cháu là con CN đăng ký theo học. Ngoài việc dạy trẻ các kỹ năng, đạo đức, hằng năm nhà trường tổ chức các ngày hội cho bé và gia đình tham gia. Mỗi lễ hội gắn với một chủ đề riêng ý nghĩa với trẻ. Ví dụ, ngày Sức khỏe bé yêu, các cô sẽ dạy cho trẻ biết trời nắng, trời mưa không được đi đầu trần ra ngoài; trước và sau khi ăn phải rửa tay sạch sẽ.... Ngày 8-3, trường tổ chức cho Bé tập làm nội trợ, mỗi lớp làm vài món ăn đơn giản (có sự hỗ trợ của giáo viên) rồi góp lại cùng ăn với nhau vừa để trẻ biết được các nguyên liệu, vừa giáo dục cho trẻ hiểu và trân trọng sự vất vả của cha mẹ, của người làm ra sản phẩm. Hay sân chơi "Con đã lớn khôn", trẻ sẽ được đóng vai cha mẹ, bác sĩ, cô giáo, thậm chí là ông bà để làm các việc người lớn vẫn thường làm như ru em, trồng rau, dọn nhà… Năm học 2017 - 2018, trường được công nhận là 1 trong số 186 trường mầm non trong cả nước Xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm. "Sau một thời gian đi vào hoạt động, chúng tôi nhận thấy hiệu quả rõ rệt bởi sự tin tưởng của phụ huynh và niềm vui từ học sinh. Ðội ngũ giáo viên của trường luôn yêu thương học trò như chính con mình. Ðây là một trường học nhưng phụ huynh không phải đóng học phí, điều này giúp các gia đình công nhân giải quyết được một phần khó khăn. Các cô cũng được nhận mức lương cao (từ 8 triệu đồng/người/tháng) nên ai cũng tận tình chăm sóc trẻ", cô Dung, giáo viên phụ trách lớp lá cho biết.
Ngoài 2 trường mẫu giáo của Tập đoàn Phong Thái, nhiều nhà trẻ dành riêng cho con CN đã được các công ty cùng CÐ thực hiện như: Trường mầm non tư thục Thái Quang của Công ty cổ phần Taekwang Vina Industria (KCN Agtex Long Bình). Trường được đầu tư hơn 3 triệu USD, diện tích 7.500m2 có thể bố trí cho khoảng 1.000 trẻ theo học; Trường mầm non Những bông hoa nhỏ của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP. Biên Hòa), có 18 phòng học và 5 phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 500 trẻ từ 2 đến 5 tuổi... Ðây đều là những trường do công ty tự đầu tư xây dựng, gần nơi làm việc, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên giỏi nghề, công nhân lao động phấn khởi và an tâm gửi con.
Hỗ trợ công nhân nuôi con nhỏ
Khác với cách làm trên, do quỹ đất có hạn, một số doanh nghiệp hỗ trợ người lao động có con nhỏ bằng cách đầu tư vào các trường mầm non hiện hữu hoặc xây mới ngôi trường tại địa phương để CN và người dân gửi con. Ðiển hình là Công ty TNHH Hwaseung Vina (Nhơn Trạch) đầu tư 5 tỷ đồng xây trường mầm non tại xã Hiệp Phước, đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng thêm một trường mầm non tại xã Long Thọ. Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (Nhơn Trạch) cũng đầu tư 5 tỷ đồng xây trường mầm non tại xã Hiệp Phước. Ngân hàng Công thương Vietcombank Nhơn Trạch đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng trường mầm non tại xã Phú Thạnh. Không chỉ hỗ trợ xây dựng, hàng năm, các công ty đều hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.
Lễ khai giảng năm học mới tại trường mẫu giáo dành riêng cho con công nhân
Chị Mai Thị Hương, Chủ tịch CÐ Công ty TNHH Dệt may Eclat cho biết, năm 2013, theo nguyện vọng của NLĐ và kiến nghị của CĐ, công ty chi 5 tỉ đồng xây dựng trường mầm non tại Xã Hiệp Phước. Hằng tháng công ty chi thêm 2.000 USD bồi dưỡng cho các giáo viên giữ con CN giờ tăng ca. Trường ưu tiên nhận tất cả trẻ là con CN của công ty.
Thiết thực hơn, các cấp CĐ chi hỗ trợ hoặc vận động doanh nghiệp chung tay hỗ trợ tiền học phí cho NLĐ có con độ tuổi học mầm non với mức từ 60.000 đến 200.000 đồng; tổ chức các đợt trao học bổng cho con CN nghèo, trao thưởng cho con CN "Học giỏi - sống tốt"; vận động doanh nghiệp cho NLĐg vay tiền, ứng trước tiền lương đóng học cho con. Tuy mức hỗ trợ không nhiều nhưng phần nào thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của doanh nghiệp, của CĐ với NLĐ.
Bình luận (0)