Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát với tốc độ bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã gây ra những tác động không nhỏ đến việc làm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động, đặc biệt trong vấn đề chăm sóc, giáo dục con cái.
Không có thời gian giám sát, hỗ trợ con
Trước tình hình dịch bùng phát, công việc và thu nhập bấp bênh, NLĐ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi các con chuyển từ học trực tiếp ở trường sang hình thức ở nhà học online, nỗi lo chồng chất nỗi lo, khó khăn chồng chất khó khăn.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy NLĐ gặp khó khăn trong việc trang cấp thiết bị, kèm con học: Có 33.5% các gia đình không có máy tính để bàn/máy tính bảng, con cái phải học bằng điện thoại; 18.1% lo lắng khi con học bằng điện thoại màn hình quá bé trẻ khó nhìn, khó học tập, 17% các bậc cha mẹ lo lắng không có thời gian giám sát, hỗ trợ con học trực tuyến… Lo lắng con bị ảnh hưởng bởi các thiết bị học, giảm thị lực: Việc học sinh phải tiếp xúc trong thời gian dài với các thiết bị học như máy tính/điện thoại khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại sẽ phát sinh những dị tật về mặt, dẫn đến giảm thị lực của trẻ. Nhất là trong tình hình hiện nay không biết khi nào việc học online kết thúc.
Chấp nhận nghỉ việc để ở nhà trông con: Có trường hợp NLĐ phải chấp nhận nghỉ việc ở nhà để trông con, kèm con học online cho dù đã đi làm công ty được nhiều năm với mức thu nhập ổn định. Với tâm lý của trẻ, đặc biệt là những trẻ học cấp I thì sự tự lập cũng như tính tự giác học tập là chưa cao, đa số trẻ chưa thể tự học mà cần có người lớn kèm cặp giúp đỡ.
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng con không chủ động cũng như theo kịp được tốc độ học qua các bài giảng online, theo kết quả khảo sát, có 7.4% các bậc cha mẹ lo lắng về vấn đề này. Trước tình hình đó buộc bố hoặc mẹ của trẻ phải nghỉ việc để ở nhà với con.
Đó là chưa kể đến vấn đề các con dùng các thiết bị có mạng internet, rất nhiều nội dung độc hại có thể tấn công khi các con chưa đủ khả năng để "tự vệ".
NLĐ phải hy sinh công việc của mình cũng là lựa chọn bất đắc dĩ, khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh được quay trở lại trường học thì vấn đề đặt ra là nhóm NLĐ này sẽ như thế nào? Liệu học xong có thể xin được việc làm hay không? Khi phải bắt đầu lại từ đầu chắc chắn họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, họ sẽ phải làm như thế nào để vượt qua và ổn định lại cuộc sống cũng là câu hỏi đáng phải suy ngẫm.
Trẻ em nói chung và con em trong gia đình công nhân nói riêng phải trải qua quá trình biến chuyển tâm lý từ học trực tiếp sang học online, thiếu sự tương tác trực tiếp với bạn bè, thầy cô. Nhiều em rơi vào tình trạng không tập trung, mệt mỏi dẫn đến khó theo kịp tốc độ và kiến thức bài giảng. Việc các em học qua máy tính/điện thoại, không được vận động, giao tiếp, không được tham gia các hoạt động thực tế trải nghiệm có thể dẫn tới tình trạng bị lo âu và căng thẳng… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến "sức khỏe tinh thần" của trẻ và ảnh hưởng cả đến kết quả học tập của trẻ.
Cần sớm có phương án để trẻ em được quay trở lại trường học
Trẻ em không phải là đối tượng chính của COVID-19 nhưng dường như các em lại là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các em phải chịu nhiều thiệt thòi trước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Trước tình hình trên có thể tập trung một số giải pháp như sau.
Một là, nhà nước cần sớm có chủ trương đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho NLĐ, đặc biệt là nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con em công nhân, coi đây là một vấn đề bức xúc, cấp bách. Làm được như vậy, một mặt tiến tới đảm bảo con em công nhân có điều kiện ở gần cha mẹ, được học tập, chăm sóc… được đảm bảo các quyền cơ bản mà trẻ em đáng được hưởng; một mặt đảm bảo cho NLĐ có điều kiện ở bên cạnh và chăm sóc con cái tốt hơn, không phải xa con, không phải gửi con cái về quê nhờ người thân chăm sóc, điều này giúp họ yên tâm làm việc, có nguồn thu nhập ổn định và tiến tới "an cư, lạc nghiệp", gắn bó với công việc lâu dài và ổn định cuộc sống.
Hai là, sớm hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho người dân trong độ tuổi từ 18 trở lên. Đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ, giảm nguy cơ biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong khi bị nhiễm bệnh.
- Ba là, cần sớm có phương án để trẻ em được quay trở lại trường học. Tình trạng học online kéo dài đã gây ra rất nhiều hệ lụy: Cha mẹ phải nghỉ việc để ở nhà kèm trẻ học online; trẻ không được tương tác, tiếp xúc với bạn bè thầy cô gây ra cảm giác buồn chán, trống trải, trẻ dễ nóng nảy và cáu gắt; không có tinh thần học, không theo kịp bài giảng, chất lượng học tập bị giảm sút; sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ bị suy giảm…
Con công nhân phải nghỉ học vì không có thiết bị
Chị Huỳnh Thị Kim Chi làm công nhân tại một công ty sản xuất chế biến đồ gỗ nội thất ở Bình Dương, 30 tuổi, Quê ở Kiên Giang, chị có 2 con năm nay lên 7 và 9 tuổi. Dịch bệnh khiến công việc của chị lúc làm lúc nghỉ, thu nhập bấp bênh, nghỉ việc từ cuối tháng 7.2021 đến đầu tháng 10.2021 mới đi làm lại. Trong gần 3 tháng nghỉ việc và cách ly tại phòng trọ, thu nhập không có, việc ăn uống phụ thuộc hoàn toàn vào các mạnh thường quân và các tổ chức hỗ trợ giúp đỡ. Nay phải phát sinh thêm một khoản mua sắm thêm trang thiết bị cho con học đã quá sức với gia đình chị.
"Con em 2 đứa, một đứa lớp 2 một đứa lớp 4 gửi ở quê Kiên Giang nhờ chị chồng chăm sóc. Trong thời gian dịch ở dưới quê điện lên thông báo phải mua điện thoại để cho con học online… nhưng em không có điều kiện, công việc và thu nhập bấp bênh như vậy sắm ra được cái điện thoại, máy tính đâu phải dễ nên em cho con nghỉ không theo học online được" - chị Chi buồn rầu nói.
Bình luận (0)