Sáng 16-6, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) đã thay mặt hàng ngàn công nhân công ty viết tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội về Nghị định số 38/2022/NĐ-CP tăng lương tối thiểu vùng và quy định lương tối thiểu giờ cho người lao động tính từ ngày 1-7-2022.
Ông Hồng trình bày ngày 12-6-2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về việc tăng lương tối thiểu vùng và quy định lương tối thiểu giờ cho người lao động. Theo nghị định này, mức tăng là 6% so với mức lương tối thiểu của Nghị định 90/NĐ-CP ngày 15-11-2019, lấy ví dụ cụ thể mức lương vùng I tăng từ 4.420.000 đồng lên 4.680.000 đồng (tăng 260.000 đồng).
Người lao động vui mừng khi nghe tin tăng lương tối thiểu vùng nhưng lại bất ngờ khi bị bỏ mất 7% đã qua đào tạo nghề
Thoạt nhìn thì thấy mức tăng là như vậy nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đại đa số chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương cho người lao động đầu tháng 7-2022. Nhưng Nghị định 90/NĐ-CP có quy định ở khoản 1b điều 5 như sau: Áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi họ đã qua học nghề, đào tạo nghề. Thực tế tại doanh nghiệp, tất cả lao động đều phải qua đào tạo mới có thể làm việc được nên lâu nay tất cả doanh nghiệp đều áp dụng mục 1b này và lương tối thiểu vùng I đều không thấp hơn mức 4.729.400 đồng/tháng.
Nay Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã bỏ phần quy định tương tự mục 1b điều 5 Nghị định 90/NĐ-CP như đã nêu trên cho phù hợp quy định Luật Lao động 2019 và thực tế là chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương tối thiểu cho nhân viên do mức đang áp dụng 4.729.400 đồng đã cao hơn mức 4.680.000 của Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Theo các quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ quy định lương tối thiểu để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các công việc có mức lương khác cao hơn (như lao động đã qua đào tạo và số lượng này là đa số) thì người lao động tự thương lượng, tự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động. Thực tế như nêu ở trên, tất cả công nhân nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đều là lao động đã qua đào tạo và thử hỏi có công nhân nào dám tự thương lượng mức lương tối thiểu với chủ doanh nghiệp và thương lượng thành công không?
Suốt 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống người lao động vô cùng khó khăn
"Bản thân tôi là Chủ tịch Công đoàn đã 12 năm mà mỗi khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì tôi và Ban chấp hành Công đoàn còn không thương lượng được thì làm sao có công nhân nào thương lượng được việc này? Điển hình là hiện tại lương tối thiểu tại công ty tôi chỉ là 4.730.000 đồng, cao hơn mức tối thiểu theo Nghị định 90/2019 chỉ 600 đồng. Chúng tôi chỉ có thể thương lượng được phần tăng lương cho các vị trí công việc khác trong thang bảng lương theo chức danh và theo công việc thôi. Tình trạng của chúng tôi cũng là chung của đại đa số Công đoàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay. Không phải chúng tôi không dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhưng trường hợp này chúng tôi ở thế yếu khi ngồi vào bàn thương lượng vì không có cơ sở để thương lượng khi không có hành lang pháp lý để dựa vào đó mà nói chuyện với chủ doanh nghiệp" - ông Hồng nêu vấn đề trong tâm thư.
Người lao động mong muốn được tăng lương thật sự
Đã 1,5 năm không tăng lương tối thiểu vùng vừa rồi Thủ tướng đối thoại với công nhân và mang đến cho mọi người niềm vui lớn khi thông báo Chính phủ đã đồng ý tăng lương tối thiểu vùng. Niềm vui là có nhưng không thật sự trọn vẹn vì mức tăng sẽ áp dụng đến hết năm 2023 (1,5 năm không tăng, bây giờ tăng và là giữ đến 1,5 năm tới mới tính tiếp) nhưng mọi người chưa kịp hưởng gì thì giờ là sự thất vọng vì thực tế là mức mới thấp hơn mức các doanh nghiệp đang áp dụng.
Hiện tại do ảnh hưởng nhiều vấn đề nên cả hai đều gặp khó: Chủ doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí khi vật giá leo thang theo giá xăng dầu; người lao động gặp khó khi giá cả sinh hoạt tăng cao mà lương không tăng. Trong cái khó đó, tôi chợt nhớ Thủ tướng có một câu nói kinh điển "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" khi Thủ tướng nói chuyện với cộng đồng nhà đầu tư. Tôi hy vọng bây giờ Thủ tướng hãy nói tiếp với họ "Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" để vận động họ tăng lương cho công nhân, họ dù có khó khăn nhưng vẫn còn lợi nhuận - một công nhân khó khăn kéo theo cả gia đình khó khăn, con cái thiếu sữa, phần ăn thiếu chất dẫn đến một thế hệ trẻ em thiếu nhiều thứ khác và tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những việc này thì đất nước này sẽ đi về đâu?
"Người lao động rất mong Thủ tướng xem xét lại việc điều chỉnh tăng lương của lần này sao cho thật sự tăng ít nhất 6% hay không?" - ông kiến nghị.
Bình luận (0)