xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất ngờ với nghị định lương tối thiểu vùng mới

NHÓM PHÓNG VIÊN

Việc bỏ quy định trả lương cao hơn ít nhất 7% đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề là không thỏa đáng với người lao động

Sau gần 2 năm trì hoãn, ngày 12-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/ NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-7-2022) quy định mức lương tối thiểu (LTT) vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Thế nhưng, những thay đổi của nghị định lần này đã khiến không ít cán bộ Công đoàn và NLĐ bất ngờ.

Thiệt thòi cho lao động đã qua đào tạo

Theo các nghị định về LTT vùng trước đây, ngoài quy định mức LTT vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp (DN) và NLĐ thỏa thuận và trả lương, còn có nội dung LTT phải "cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề". Tuy nhiên, quy định này không được đề cập trong Nghị định số 38/ NĐ-CP.

Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), cho hay từ trước đến nay, lương của NLĐ luôn được công ty trả đúng theo mức LTT vùng theo quy định, nghĩa là NLĐ đã qua đào tạo nghề được hưởng mức lương cao hơn LTT vùng 7%. Chiếu theo mức tăng 6% của Nghị định 38/NĐ-CP, thì mức lương của NLĐ hiện tại đang hưởng cao hơn 1%, do vậy Công đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc thương lượng điều chỉnh lương cho NLĐ. "Nếu thực hiện đúng theo Nghị định 38/NĐ-CP thì việc điều chỉnh LTT mất đi ý nghĩa, thậm chí gây thiệt thòi cho NLĐ, nhất là NLĐ đã qua đào tạo" - ông An nhận định.

Tương tự, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (có khoảng 3.000 lao động, Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng nếu để NLĐ đã qua đào tạo tự thương lượng để được hưởng thêm 7% là rất khó bởi họ vốn yếu thế. Đồng tình với nhận định trên, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết hiện nay, mức lương công ty đang trả cho NLĐ đã cao hơn 652.000 đồng so với mức LTT vùng mới. Do vậy, nếu Nghị định 38/NĐ-CP điều chỉnh tăng 6% lương nhưng bỏ quy định 7% dành cho NLĐ có tay nghề, thì Công đoàn không có cơ sở gì để đề xuất tăng LTT vùng cho NLĐ.

Bất ngờ với nghị định lương tối thiểu vùng mới - Ảnh 1.

Lao động đã qua đào tạo khó thương lượng với doanh nghiệp để được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Ảnh: CAO HƯỜNG

Người lao động thiệt đơn, thiệt kép

Công ty CP Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) có hơn 30.000 lao động và chủ yếu là lao động phổ thông nên việc Nghị định 38 không nhắc đến việc cộng thêm ít nhất 7% so với mức LTT vùng đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề như trong các nghị định trước đó khiến ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina, lo lắng.

Theo ông Phúc, đối với lao động phổ thông, thời gian thử việc và đào tạo, đào tạo lại tay nghề thường rất ngắn nên hầu hết NLĐ làm việc từ 1 năm trở lên là đã có tay nghề. Do vậy, số lao động bị tác động bởi quy định này rất lớn. Nếu bỏ quy định cộng thêm ít nhất 7% cho NLĐ có tay nghề hoặc đã qua học nghề thì NLĐ tại các DN đang áp dụng mức LTT bằng với mức quy định hiện hành sẽ phải chịu thiệt. Bởi trong giai đoạn khó khăn, nhiều DN cố gắng tiết giảm chi phí nên sẽ áp dụng đúng theo luật, như vậy, NLĐ có tay nghề sẽ không được điều chỉnh tăng lương vào đợt này bởi mức lương mà họ đang nhận theo Nghị định 90/NĐ-CP đã cao hơn mức điều chỉnh của Nghị định 38/NĐ-CP. Mặt khác, NLĐ sẽ rất khó để tự thương lượng với DN nên họ sẽ thất vọng bởi sau hơn 2 năm chờ đợi lại không được tăng lương như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Văn Chức, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (quận Tân Phú, TP HCM), việc bỏ quy định cộng thêm ít nhất 7% cho NLĐ có tay nghề hoặc đã qua học nghề sẽ khiến NLĐ thiệt đủ đường. Thực tế cho thấy, NLĐ có thể thương lượng tiền lương với DN là NLĐ có trình độ chuyên môn cao mà đây chỉ là số ít và đã có mức lương cao hơn LTT vùng nên không bị tác động bởi quy định mới. Đối với số đông NLĐ, chủ yếu là lao động phổ thông, khả năng thương lượng hầu như không có, trong khi đa số DN hiện nay vì tối đa hóa lợi nhuận sẽ trả lương đúng bằng LTT vùng. Vậy thì NLĐ sẽ nhận mức lương không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của họ và gia đình họ, đồng thời khoản đóng BHXH cũng căn cứ vào mức lương này nên cũng thấp theo.

"Tại công ty chúng tôi, NLĐ nghỉ hưu đạt mức hưởng tối đa 75% cũng chỉ nhận lương hưu chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Vậy sao họ bảo đảm an sinh khi về già?" - ông Chức băn khoăn.

Ông PHẠM ANH THẮNG, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại phía Nam:

Tôn trọng thỏa thuận của các bên

Việc không đưa quy định nội dung mức lương thấp nhất đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi qua đào tạo, dạy nghề phải cao hơn 7% so với mức LTT như quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP là căn cứ xét trên nhiều mặt. Việc quy định như trước đây là để bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong điều kiện năng lực thương lượng của đa số NLĐ còn hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay khi vai trò của tổ chức Công đoàn được khẳng định, năng lực thương lượng của NLĐ đã qua đào tạo được nâng cao thì cần thiết phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong thương lượng về tiền lương. Hơn nữa, việc quy định cứng tỉ lệ % dễ bị đánh giá là can thiệp vào chính sách tiền lương của DN. Mặt khác, thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Luật Lao động năm 2019 cũng không còn nội dung Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương, mà để DN và NLĐ thương lượng, quyết định trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Như vậy, việc không còn quy định về "khoản 7%" là để tạo cơ chế thương lượng giữa DN và NLĐ, tôn trọng sự thỏa thuận theo hướng có lợi cho NLĐ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo