"Muốn doanh nghiệp (DN) hiểu và ủng hộ thì Công đoàn (CĐ) phải thể hiện được vai trò tích cực. Đặc biệt, khi chủ DN là người nước ngoài, cán bộ CĐ phải hiểu những điểm khác biệt lẫn tương đồng giữa hai nền văn hóa để tổ chức những chương trình phù hợp, vừa gây thiện cảm với chủ DN vừa mang lại lợi ích cho đoàn viên". Ông Phạm Viết Bằng, Chủ tịch CĐ Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, đã đúc kết như vậy tại buổi họp mặt, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây.
Không chờ đợi
Ông Bằng cho biết từ tháng 6-2017, CJ Cheiljedang Corporation (Hàn Quốc) đã mua 71,6 % cổ phần của Cầu Tre và trở thành cổ đông lớn nhất. Sự thay đổi ấy là thách thức lớn đối với CĐ bởi hoạt động CĐ của công ty đã có nền nếp, người lao động (NLĐ) đã quen với cách mà CĐ chăm lo từ trước đến giờ. Tuy nhiên, khi ban giám đốc có sự thay đổi thì CĐ bắt buộc phải thay đổi theo.
Dù Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre có nhiều thay đổi, người lao động vẫn được doanh nghiệp và Công đoàn chăm lo tốt Ảnh: MAI CHI
"Trong buổi làm việc đầu tiên với ban giám đốc mới để chuẩn bị cho đại hội CĐ, họ hỏi chúng tôi CĐ là gì? Tại sao lại có sự xuất hiện của CĐ trong DN và nó tác động xấu hay tốt đến DN? Lúc ấy, chúng tôi phải trình bày cụ thể - từ cơ sở pháp lý đến nhiệm vụ, hoạt động CĐ trong những năm qua… Thậm chí, tất cả văn bản đều được CĐ dịch sang tiếng Hàn để họ dễ nắm bắt hơn. Khi hiểu được mặt tích cực của CĐ, ban giám đốc mới yên tâm" - ông Bằng kể.
Để phù hợp với tình hình hiện tại, các hoạt động CĐ được tổ chức lại. Với phương châm cái gì tốt cho NLĐ thì làm nên CĐ cố gắng thực hiện và thuyết phục DN ủng hộ. Đơn cử là việc tổ chức tiệc tất niên và chương trình bốc thăm trúng thưởng dịp Tết nguyên đán vừa qua. Biết được những khó khăn về kinh phí để tổ chức bốc thăm trúng thưởng nên ngay từ tháng 10-2017, các cán bộ CĐ đã không nhận phần phụ cấp của mình mà trích lại để mua một chiếc xe máy làm quà tặng công nhân (CN).
Khi trao đổi với ban giám đốc, CĐ đã trình bày chi tiết về kế hoạch tổ chức. Nghe đề cập việc góp tiền làm quà tặng bốc thăm trúng thưởng, ban giám đốc rất ngạc nhiên và hỏi về kinh phí tổ chức những năm trước. Thấy được cái tâm của cán bộ CĐ và cũng không muốn NLĐ thất vọng, ban giám đốc quyết định tặng thêm 2 chiếc xe. DN còn quyết định thưởng Tết cao hơn và tặng thêm quà cho những trường hợp khó khăn…
Một ví dụ khác về việc CĐ tìm hiểu những điểm tương đồng giữa văn hóa Việt - Hàn để đề xuất các hoạt động phù hợp, đó là chăm lo dịp Tết Trung thu. Đây là ngày lễ quan trọng ở Hàn Quốc nên khi nghe CĐ đề xuất tặng bánh trung thu cho con NLĐ, ban giám đốc không chỉ đồng ý mà còn tặng quà cho toàn bộ NLĐ chứ không riêng gì con em họ.
Với những hoạt động tích cực của mình, sau hơn nửa năm, CĐ Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre đã tạo được niềm tin với tổng giám đốc mới. Thậm chí, với các hoạt động chăm lo cho CN, tổng giám đốc đều có mặt và góp công sức.
"Khi cổ phần hóa, CĐ gặp nhiều khó khăn hơn trước. Điều đó đòi hỏi cán bộ CĐ phải chủ động nhiều hơn và biết cách kết nối ban giám đốc với NLĐ. Chỉ có như vậy, CĐ mới tạo được uy tín và chăm lo được cho NLĐ" - ông Bằng nhìn nhận.
Có chính kiến
"CĐ phải chủ động trong việc chăm lo cho NLĐ" chính là phương châm hoạt động của CĐ Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch CĐ công ty, chủ DN luôn bận rộn, dù họ có lòng nhưng lại không có thời gian hoặc không nghĩ tới việc phải chăm lo cho NLĐ như thế nào.
Vì vậy, là đại diện của NLĐ, CĐ phải chủ động; những đề xuất tốt, có lợi cho cả NLĐ và DN luôn được giám đốc cân nhắc, đồng tình. Trong các hoạt động, nên mời ban giám đốc tham dự để họ hiểu CĐ đang làm gì và những hoạt động ấy có tác động như thế nào đến NLĐ.
Ông Hùng dẫn chứng về việc tổ chức xe đưa CN về quê ăn Tết vừa qua. Năm nào CĐ công ty cũng làm việc này nhưng chỉ âm thầm nên DN cho rằng đó là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, năm nay, CĐ quyết định làm khác đi. Trong tiệc tất niên, CĐ đã lên sân khấu vận động ban giám đốc, đội ngũ quản lý, đối tác ủng hộ tiền cơm cho NLĐ suốt chuyến hành trình về quê. Nhờ sự mạnh dạn ấy, CN được "bao trọn gói" tiền vé và tiền cơm, đồng thời còn được lì xì trước khi lên xe.
"Hôm NLĐ về quê, CĐ mời ban giám đốc đến chúc Tết và tiễn họ. Tận mắt chứng kiến việc CĐ làm và nghe những chia sẻ của NLĐ, ban giám đốc đã có suy nghĩ khác. Khi kết thúc chương trình, giám đốc đã nói với tôi rằng hãy duy trì những hoạt động ý nghĩa như thế này, DN sẽ hỗ trợ" - ông Hùng nhớ lại.
Tại Công ty TNHH May Thêu Thuận Phương, CĐ cũng rất có uy tín với ban giám đốc. Vì thế, những chính sách liên quan đến NLĐ, DN đều trao đổi, thương lượng với CĐ. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, đại diện CĐ công ty, cho biết thời gian qua, DN này mở thêm một nhà máy ở Long An đồng thời mở rộng hoạt động sản xuất tại quận 6, TP HCM. Vì vậy, tài chính có những khó khăn nhất định, vấn đề thưởng Tết cho NLĐ được cân nhắc kỹ càng.
"Để bảo đảm quyền lợi CN, duy trì sự ổn định trong quan hệ lao động, CĐ thuyết phục DN không bỏ lương tháng 14 và tiếp tục hỗ trợ quà, vé xe cho NLĐ. Nghe CĐ thuyết phục, cuối cùng, ban giám đốc đã đồng thuận. Tôi nghĩ trong hoạt động, CĐ cần có chính kiến thì mới chăm lo tốt được cho NLĐ" - bà Loan bày tỏ.
Bình luận (0)