Sáng 19-10, Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 30 (khoá XII) diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết hội nghị sẽ cho ý kiến vào 6 nội dung quan trọng.
Về tờ trình về nội dung chủ đề, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh năm 2023, là năm tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023- 2028; năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", trong đó chỉ tiêu về phát triển đoàn viên rất quan trọng, các cấp công đoàn có nhiều nỗ lực, nhưng mục tiêu và kết quả đạt được còn khoảng cách lớn.
Xuất phát từ những lý do trên, Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất lựa chọn chủ đề hoạt động năm 2023 là "tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở" trong đó xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và dự kiến giao 11 chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2023 cho LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
Hội nghị lần này cũng cho ý kiến về báo cáo một số nội dung chuẩn bị buổi làm việc giữa Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn với Thủ tướng Chính phủ năm 2022; cho ý kiến về sửa đổi phụ cấp cán bộ công đoàn theo Quyết định số 3226/QĐ-TLĐ ngày 20-9-2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Một nội dung quan trọng cũng được thảo luận tại hội nghị lần này, đó là tờ trình kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023. Theo ông Nguyễn Đình Khang, so với Kế hoạch chăm lo Tết Nhâm Dân 2022, lần này,Tổng Liên đoàn dự kiến sẽ chủ trì, trực tiếp tổ chức 21 chương trình "Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình năm 2023" tại các địa phương có đông công nhân, lao động, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn; dành "gói hỗ trợ" khoảng 500 tỉ đồng phân bổ về các công đoàn ngành, địa phương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, với mức 500 nghìn đồng/người, chi bằng tiền mặt (ước có khoảng 1 triệu đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ - bằng 10% tổng số đoàn viên đơn vị đang quản lý); ngoài ra công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, tự quyết định mức chi chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Bình luận (0)