Một tháng trước Tết, ngoài công việc bảo vệ tại Trung tâm Thương mại Takashimaya (quận 1, TP HCM), chị Phan Thị Thu Hương, nhân viên Công ty CP Dịch vụ Long Hải (quận Phú Nhuận, TP HCM), còn buôn bán online các loại mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng. Chị còn làm thêm các món ăn như chân gà ngâm sả tắc, muối cà, kim chi… để bán.
Có đồng nào quý đồng ấy
Từ khi chồng mất vì tai nạn giao thông, chị Hương trở thành trụ cột gia đình và nuôi con nhỏ. Dù có ông nội phụ chăm cháu nhưng vì muốn con có cuộc sống tốt hơn nên chị luôn cố gắng làm việc. Chị nói công việc buôn bán dù không mang lại thu nhập bao nhiêu, chủ yếu lấy công làm lời nhưng có thêm đồng nào là quý đồng ấy vì chị phải tích lũy để lo cho con, mặt khác chị cũng rất yêu thích việc buôn bán. Vì vậy, cứ xong ca trực, trở về phòng trọ, chị loay hoay chế biến món ăn rồi lại soạn hàng, tự làm mẫu rồi chụp lại để đăng lên Facebook…
Chị Tôn Nữ Thị Kim Sương (phải) với tiệm tạp hóa nhỏ bán trong xóm trọ để tăng thêm thu nhập .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Chị Hương quê ở Nam Định, còn chồng ở Phú Thọ. Nhiều năm qua, chị không về quê ăn Tết mà sắp xếp dịp khác trong năm để về thăm con và cha chồng. Năm nay cũng vậy, chị đăng ký ở lại làm việc xuyên Tết với mong muốn có thêm thu nhập để gửi về cho ông nội chăm cháu. "Mong muốn lớn nhất của tôi là có đủ khả năng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, hy vọng con có một tương lai tươi sáng hơn, không phải vất vả như mẹ mình" - chị Hương chia sẻ.
Ngoài giờ làm ở công ty, chị Phan Thị Hạnh, công nhân (CN) Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung II; quận Thủ Đức, TP HCM), thường xuyên lướt web để trả lời, chốt đơn hàng và giao hàng cho khách. Chị Hạnh quê ở Ninh Bình, vào công ty làm việc hơn 7 năm, chồng làm thợ cơ khí nên thu nhập trước đây cũng tạm ổn. Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến thu nhập của chị không ổn định, cộng với việc mới sinh con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn.
Thông cảm với hoàn cảnh của chị, một đồng nghiệp cùng công ty đã giới thiệu mối cung cấp các loại mỹ phẩm cho chị bán qua mạng. "Nhờ chị đồng nghiệp đi trước hướng dẫn tận tình nên tôi cũng dễ dàng tiếp cận với công việc này. Việc bán mỹ phẩm rất thuận lợi vì rảnh giờ nào thì làm thêm giờ đó. Người này mua xài thấy hiệu quả thì giới thiệu cho người khác nên việc bán hàng diễn ra suôn sẻ" - chị Hạnh kể.
Khách hàng đa số là đồng nghiệp cùng công ty nên chị Hạnh có thể mang theo khi đi làm để giao hàng. Đối với những khách bên ngoài, chị tranh thủ buổi tối, ngày cuối tuần đi giao. Với công việc này, mỗi tháng chị Hạnh kiếm thêm được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để mua sữa cho con. Những ngày giáp Tết, nhu cầu quà biếu trong CN cũng tăng nên chị Hạnh cũng tất bật hơn ngày thường nhưng chị rất vui vì thu nhập từ công việc làm thêm cũng tăng lên.
Tranh thủ mọi lúc
Ở xóm trọ trên đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2, TP HCM, chị Tôn Nữ Thị Kim Sương, CN vệ sinh Công ty TNHH Thang máy Toshiba Việt Nam (quận 2, TP HCM), nổi tiếng với các món bánh flan, bánh bông lan, bánh trung thu, kẹo dẻo ngon… Chỉ làm tại công ty 1 ngày/tuần nên thu nhập của chị Sương chỉ được 1,2 triệu đồng/tháng. Vì thế, ngoài giờ làm, chị tranh thủ làm bánh bán thêm cho anh chị em trong xóm trọ, bà con hàng xóm. Khi được mọi người cổ vũ vì món bánh ngon, giá cả hợp lý, chị Sương mở rộng việc buôn bán qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Chị suốt ngày loay hoay với việc làm bánh rồi chụp ảnh, post ảnh lên mạng để rao hàng. "Cũng nhờ mọi người giới thiệu nên khách hàng của tôi ngày càng đông. Chỉ cần đặt trước 1 ngày, tôi đã giao bánh đúng hẹn nên ai cũng hài lòng" - chị Sương kể.
Không chỉ bán bánh, chị Sương còn mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán những món thiết yếu như nước tương, nước mắm, bột ngọt, mì tôm, nước ngọt… cho CN xóm trọ. Chị Sương quê ở Khánh Hòa, còn chồng ở Tiền Giang. Trước đây, chồng chị làm CN công trình tại TP HCM nhưng mấy năm gần đây về quê trồng mít. Cuối tuần, chồng chị thu mua mít chở lên TP để vợ rao bán trên mạng. Đến mùa bơ, chị lấy bán thêm. Cuộc sống "Ngưu Lang, Chức Nữ" nhưng vợ chồng chị không ngại vì có điều kiện lo cho con trai 12 tuổi ăn học. "Tính ra việc buôn bán, làm thêm cũng giúp tôi có được 9-10 triệu đồng để trang trải mỗi tháng. Tiền thuê phòng, tiền học, tiền học thêm của con mỗi tháng cũng hơn 5 triệu đồng, rồi thêm 2 triệu đồng tiền đám tiệc, hiếu hỷ. Phần còn lại tôi cố gắng tích lũy để lo cho con sau này. Mong bé có một tương lai tốt đẹp, không vất vả như cha mẹ" - chị Sương bộc bạch.
Bà Lê Thị Kim Chi - chủ khu nhà trọ đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2, TP HCM - nhận xét: "Sương làm bánh ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lại giao bánh đúng hẹn nên khách ai cũng thích. Tính chịu thương chịu khó đã giúp Sương sống ổn ngay cả những thời điểm khó khăn".
(*) Xem Báo Người Lao động từ số ra ngày 8-1
Kỳ tới:Sát cánh cùng người lao động
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Nhiều chương trình chăm lo thiết thực
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, việc làm của CNVC-LĐ, khiến hàng chục ngàn người lao động (NLĐ) gặp phải khó khăn do giảm thu nhập, mất việc làm. Dịp Tết nguyên đán năm nay sẽ có nhiều CN không về quê mà ở lại TP. Đồng hành và hỗ trợ cho NLĐ, các cấp Công đoàn (CĐ) TP đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết với nhiều nội dung thiết thực, gần gũi với NLĐ. Ngoài tạo điều kiện để NLĐ nhiều năm không được về quê đón Tết có cơ hội về quê sum họp gia đình thông qua chương trình "Chuyến tàu mùa Xuân", "Tấm vé nghĩa tình", các cấp CĐ còn tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân đón Tết chăm lo cho CN khó khăn, CN không về quê đón Tết như chương trình "Tết sum vầy", các sân chơi văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, các hội thi làm bánh, mứt, hoa chưng Tết... Điểm mới của chương trình chăm lo Tết năm nay là nhiều hoạt động lớn sẽ được tổ chức tại cơ sở với sự đầu tư về quy mô lẫn chất lượng để chăm lo tốt hơn, nhiều hơn cho đoàn viên, NLĐ và gia đình họ. Bên cạnh các chương trình chăm lo về vật chất lẫn tinh thần của các cấp CĐ, LĐLĐ TP cũng đề xuất TP hỗ trợ để NLĐ có điều kiện được tham quan tại các địa điểm vui chơi dịp Tết...
Bình luận (0)